Tửu lâu nhỏ vốn đổ nát, chẳng ai biết đến, mấy năm trước bị hào quang của
Khởi Diên lâu che lấp, như đom đóm dưới ánh trăng, mắt không tốt căn bản
tìm không ra, lần này lại vô cùng may mắn còn tồn tại trong kinh thành
khắp chốn hoang tàn, đầu năm lại nghỉ ngơi một phen, chính thức mở cửa
đón khách lần nữa. Trên tiểu lâu hai tầng ban đầu cất thêm hai tầng, gạch
nát ngói vụn dọn dẹp rất sạch sẽ, thay tên “Vọng Nam lâu” , tự dưng gợi
lên nỗi bi ai khi nửa giang sơn rơi vào tay giặc, cực kỳ hợp cảnh – ít ai biết,
tửu lâu vốn ngắc ngoải này chính là sản nghiệp của Đỗ Vạn Toàn.
Khi song phương lần đầu hiệp đàm từng hết sức không thuận, người đọc
sách tự giữ thanh quý, lại đều chìm nổi nhiều năm chốn quan trường, quả
thật không muốn tiếp xúc với những kẻ toàn mùi tiền này, phần lớn là tới
xã giao cho có thôi.
Ai ngờ tiếp xúc rồi mới biết Đỗ Vạn Toàn này không đơn giản.
Đỗ Vạn Toàn từng tự mình dong thuyền về Tây Dương, thấy qua cảnh đời
chân chính, tính tình cách nói năng, suy nghĩ trong lòng đều một trời một
vực với thương nhân bình thường, cái lưỡi không xương có thể nói người
chết thành sống, lại thêm Giang Sung bình tĩnh hòa giải, nhanh chóng có
rất nhiều người tâm tư dao động.
Và khi pháp lệnh cải cách lại trị âm thầm thấm vào các nơi, đám người Đỗ
Vạn Toàn lại thuê một gian phòng lớn nhất Vọng Nam lâu, lần thứ hai mở
tiệc chiêu đãi trọng thần trong triều lấy Giang Sung làm đầu gồm tám
người.
Tất cả đều là ở trong triều không chỗ dựa dẫm, khoa cử làm quan, tay trắng
dựng nghiệp.
Mật đàm lần này giằng co hơn bốn canh giờ, cho đến khi trăng treo đầu
cành, thủ tọa Giang Sung mới nâng chén kết cuộc.
Giang Sung nghiêm nghị đứng dậy, nhìn xung quanh, không ít người ly qua
chén lại đã ngà ngà say.