Đó là một điều không may. Nó sẽ xảy ra với bất kì ai đang lái xe ở đó
vào đúng thời điểm đó.”
Trong chừng mực nào đó, tôi hiểu cô ấy đang ám chỉ điều gì. Tôi
đã biết điều đó từ lâu, ngay cả trước khi họ bắt tôi thực hiện một cuộc
kiểm tra tâm lí để xem tôi đang chịu đựng áp lực đặc biệt của SOG ra
sao. Tay bác sĩ tâm lí mà họ bắt tôi nói chuyện cùng đã nói một điều
tương tự: “Sao anh có thể tự trách mình vì những hoàn cảnh nằm
ngoài tầm kiểm soát của anh chứ?”
Tôi còn nhớ cuộc trò chuyện đó. Tôi nhớ mình đã lắng nghe
những lời nhảm nhí của hắn, nửa giận dữ, nửa thích thú trước những
nỗ lực khuyến khích tôi bộc lộ những suy nghĩ trong lòng. Cuối cùng,
tôi chỉ nói với hắn, “Ông đã từng giết ai bao giờ chưa, bác sĩ?” Khi
hắn không trả lời, tôi bước ra ngoài. Tôi không biết hắn đánh giá tôi
thế nào. Nhưng họ không tổng cổ tôi khỏi SOG. Việc đó là về sau.
“Anh có còn làm việc với những người đó không?” Cô ấy hỏi.
“Vẫn còn liên quan,” tôi đáp.
“Tại sao?” Cô ấy hỏi sau một thoáng. “Tại sao anh vẫn còn gắn
bó với những thứ đã gây ra cho anh những cơn ác mộng?
Tôi liếc về phía cửa sổ. Vầng trăng đã nhô lên cao hơn trên bầu
trời, ánh sáng của nó từ từ rút khỏi căn phòng. “Điều đó rất khó giải
thích,” tôi chậm rãi nói. Tôi nhìn mái tóc cô ấy lấp loáng trong ánh
trăng nhàn nhạt, như một thác nước thẳng đứng. Tôi vuốt nó, nắm lấy
rồi lại thả nó ra. “Một vài chuyện mà anh đã làm hồi còn ở Việt Nam
cứ khiến anh bứt rứt không yên khi anh trở lại Mỹ. Có những điều chỉ
thuộc về vùng chiến, nhưng chúng lại muốn bám theo em khi em rời
đi. Sau chiến tranh, anh nhận ra anh không thể quay lại với cuộc sống
trước đây được nữa. Anh muốn quay lại châu Á, bởi vì châu Á là nơi
những bóng ma của anh ít quấy rối nhất, nhưng không chỉ là vấn đề
địa lí. Tất cả những việc anh đã làm đều có ý nghĩa trong chiến tranh,
chúng được biện hộ bởi chiến tranh, anh không thể sống với chúng
bên ngoài nó. Vì vậy anh cần ở lại trong chiến tranh.”