“Có vẻ như cái đĩa nên được đem đến Keisatsucho, chứ không
phải báo giới,” Midori nói, nhắc đến cơ quan điều tra của Tatsu.
“Cha em sẽ không sống nổi thêm một ngày nếu ông ấy giao
thông tin đó cho họ,” tôi nói thay Bulfinch.
“Đúng vậy,” Bulfinch nói. “Cha cô không phải là người đầu tiên
cố gắng vạch trần vấn nạn tham nhũng. Cô đã từng nghe về Honma
Tadayo chưa?”
À, có, ông Honma. Một câu chuyện buồn.
Midori lắc đầu.
“Khi Ngân hàng Tín dụng Nippon bị phá sản năm 1998,”
Bulfinch tiếp tục, “ít nhất ba mươi sáu tỉ đô la, và có lẽ còn nhiều hơn
thế, trong số khoản cho vay lên đến một trăm ba mươi ba tỉ đô la của
nó đã trở thành nợ xấu. Những khoản nợ xấu này có liên quan tới thế
giới ngầm, thậm chí là những khoản chi trả bất hợp pháp cho Bắc
Triều Tiên. Để giải quyết vụ bê bối này, một hiệp hội giải cứu đã thuê
Honma Tadayo, vị cựu giám đốc đáng kính trọng của Ngân hàng Nhật
Bản. Ông Honma trở thành chủ tịch của NCB
bắt đầu kiểm tra sổ sách của ngân hàng, cố gắng khám phá quy mô
đầy đủ các khoản nợ xấu của nó và tìm hiểu từ đâu và tại sao mà
chúng lại có quy mô như thế.
Honma làm việc này được hai tuần. Ông ta được phát hiện đã
chết trong tư thế treo cổ tại một phòng khách sạn ở Osaka, với những
bức thư tuyệt mệnh được gửi cho gia đình, công ty và những người
khác tương tự. Thi thể ông ta nhanh chóng được hỏa táng, không
khám nghiệm, và cảnh sát Osaka tuyên bố cái chết này là một vụ tự tử
mà không thèm mở một cuộc điều tra.
Và Honma không phải là trường hợp cá biệt. Cái chết của ông ta
là “vụ tự tử” thứ bảy giữa những người Nhật có chức vụ cao hoặc là
đang điều tra các vụ bê bối tài chính, hoặc chuẩn bị đứng ra làm chứng
cho những vụ bê bối kể từ năm 1997, khi quy mô của các khoản nợ