ngoại giao, và giả vờ gọi điện thoại ở một bốt điện thoại công cộng
trong khi những hành khách khác xuống cùng chuyến tàu với tôi đang
tản đi.
Từ nhà ga, tôi đi bộ dọc theo mép nước của cảng Yokosuka. Một
cơn gió lạnh lướt qua mặt nước phả vào mặt tôi, thoảng đưa hương vị
mặn mòi của biển. Bầu trời u ám, đối lập với thời tiết quang đãng ở
Tokyo. Tốt đẹp đèn đáng ngờ, tôi nghĩ.
Mặt cảng xám xịt và mang dấu hiệu của điềm gở giống như bầu
trời. Tôi dừng lại trên một lối đi bằng gỗ trông ra bến cảng, nhìn
những con tàu chiến ẩn tàng nguy hiểm của Mỹ đang nghỉ ngơi, những
ngọn đồi nhấp nhô đằng sau chúng xanh đến sửng sốt giữa màu xám
của vạn vật. Những mảnh rác thải của quân đội đang bập bềnh trôi giạt
vào bờ kè bên dưới: những cái chai rỗng, những gói thuốc lá, những
cái túi ni lông trông như một loài sinh vật biển kì quái đang phân hủy
đã bị thương ở sâu trong lòng đại dương và nổi lên bề mặt để chết.
Bến cảng này gợi tôi nhớ đến Yokohama, và những buổi sáng chủ
nhật ngày xưa khi mẹ dẫn tôi tới đó. Yokohama là nơi bà tới để đi lễ
nhà thờ, và bà đã định nuôi dạy tôi như một tín đồ Công giáo. Hồi đó
chúng tôi đi từ ga Shibuya, và chuyến đi kéo dài hơn một tiếng đồng
hồ, chứ không phải hai mươi phút như ngày nay.
Tôi nhớ những chuyến tàu dài ấy, khi mẹ tôi luôn cầm tay tôi, dẫn
tôi lánh xa sự bất mãn của bố tôi trước sự áp đặt thứ nghi lễ phương
Tây đã có từ ngàn xưa này lên đứa con trai nhỏ nhạy cảm của ông.
Nhà thờ là một trải nghiệm âm thầm về cảm quan: thứ mùi ẩm mốc
không đổi của giấy cũ và đệm ngồi; những hàng ghế dài có lưng dựa
thẳng đứng, cứng ngắc như khuôn bó bột; ánh sáng lấp lánh của những
thiên thần bằng kính màu; những tiếng vang rợn người của nghi thức
tế lễ; vị nhạt nhẽo của bánh và rượu trong lễ ban thánh thể. Tất cả
được xúc tác bởi một cảm giác ngày một lớn dần rằng trải nghiệm này
diễn ra qua một ô cửa sổ mà cha tôi, nửa di sản văn hóa còn lại của tôi,
sẽ muốn đóng chặt lại.