bây giờ thì sang thế giới bên kia! Bây giờ mình đi đâu?" Ông lạnh toát cả
người, tắc thở, ông chỉ nghe thấy tiếng tim đập thình thịch.
-----
(1) Dôla Êmin (1840-1902) - nhà văn Pháp.
"Mình sẽ không còn nữa, thế rồi sẽ ra sao nhỉ? Sẽ chẳng có gì hết. Thế
là mình sẽ ở đâu, khi mình không còn nữa? Lẽ nào đó lại là cái chết?
Không, ta không muốn chết". Ông chồm dậy, muốn thắp nến lên, bàn tay
run rẩy của ông sờ soạng, - ông đánh rơi cây nến cắm trong giá nến xuống
sàn, rồi lại nằm vật lên gối. "Để làm gì nhỉ? Đằng nào cũng thế thôi, - ông
tự nhủ, cặp mắt mở to nhìn vào bóng tối. - Cái chết. Phải, cái chết. Và họ
chẳng ai hay biết, họ không muốn biết, cũng không thương xót mình. Họ
đang đàn hát. (Ông nghe thấy tiếng cười nói âm vang và tiếng nhạc dạo ở
xa vọng qua cánh cửa). Đối với họ đằng nào cũng thế thôi, và họ cũng sẽ
chết. Ngốc thật! Mình chết trước, còn họ chết sau. Rồi họ cũng sẽ chết. Vậy
mà họ hớn hở vui chơi. Lũ súc sinh!" Sự hằn học làm ông nghẹt thở. Ông
bắt đầu cảm thấy đau đớn, nặng nề không chịu nổi. Không có lẽ nào mọi
người luôn luôn phải chịu nỗi sợ hãi khủng khiếp đó. Ông nhổm dậy.
"Có cái gì không ổn đây. Phải bình tĩnh, phải nghiền ngẫm lại tất cả từ
đầu". Thế rồi ông bắt đầu nghiền ngẫm. "Phải, từ lúc bệnh mới chớm. Sườn
mình bị va mạnh, và mình vẫn chẳng sao, hôm đó cũng như ngày hôm sau;
thấy hơi nhức, sau đau nhiều, rồi phải đi bác sĩ, rồi rầu rĩ, sầu não, lại phải
đi đến bác sĩ; còn mình thì cứ ngày càng đi gần sát tới vực thẳm. Sức lực
giảm sút. Gần sát, gần sát vực thẳm, thế rồi mình khô héo đi, mắt không
còn ánh sáng nữa. Và cái chết tới, thế mà mình lại đi nghĩ về khúc ruột.
Mình nghĩ làm thế nào để chữa chạy khúc ruột, nhưng đó lại là cái chết.
Chả lẽ lại là cái chết?" Ông lại khiếp sợ, nghẹt thở, cúi người xuống, tìm
diêm, khuỷu tay tì lên chiếc tủ nhỏ để cạnh giường. Chiếc bàn đó khiến ông
vướng víu, làm ông đau, ông tức mình với nó, bực bội tì mạnh lên nó và