và ban phước. Cha Serghi cũng không hề nghĩ là mình có thể chữa khỏi
bệnh cho người ốm. Có lẽ ông coi ý nghĩ như thế là tội lỗi lớn của thói kiêu
hãnh; nhưng người mẹ dẫn đứa trẻ tới cứ nằng nặc cầu xin ông, nằm lăn
xuống chân ông, nói: Vì sao ông chữa lành bệnh cho những người khác, mà
lại không muốn giúp đỡ con trai bà ta, bà cầu xin ông hãy vì Chúa mà cứu
giúp. Khi nghe cha Serghi quả quyết rằng chỉ có Chúa mới chữa khỏi bệnh,
bà ta nói rằng bà ta chỉ xin ông đặt tay lên đầu đứa trẻ và cầu kinh. Cha
Serghi từ chối và đi vào tu phòng của mình. Nhưng hôm sau (hồi đó là mùa
thu và đêm đã lạnh) khi bước ra khỏi tu phòng lấy nước, ông lại trông thấy
người mẹ với đứa con trai của mình chú bé mười bốn tuổi nhợt nhạt, hốc
hác, và ông lại nghe thấy vẫn những lời cầu xin đó. Cha Serghi sực nhớ tới
câu chuyện ngụ ngôn nói về vị quan tòa không công minh, và trước đây
vốn tin chắc rằng mình phải từ chối, bây giờ ông cảm thấy hoài nghi và một
khi cảm thấy hoài nghi, ông bắt đầu cầu nguyện và ông đã cầu nguyện cho
tới khi nảy ra quyết định trong lòng mình. Quyết định đó là: Ông phải thực
hiện yêu cầu của người đàn bà, niềm tin của bà ta có thể cứu được đứa con
trai, bản thân cha Serghi, trong trường hợp này chỉ là một công cụ nhỏ mọn
do Chúa lựa chọn.
Thế là ông bước lại gần phía bà mẹ, thực hiện mong ước của bà ta, đặt
tay lên đầu chú bé và bắt đầu cầu nguyện.
Bà mẹ đem con trai ra về và một tháng sau chú bé khỏi bệnh, danh
tiếng của vị cha cả Serghi có sức mạnh thần thánh chữa khỏi bệnh vang
khắp vùng. Từ đó không có tuần nào là những người ốm không đi bộ, đi xe
tới chỗ cha Serghi. Và một khi đã không từ chối những người này, ông
cũng không thể từ chối những người khác và ông đã đặt tay lên đầu người
bệnh, cầu nguyện, nhiều người đã khỏi bệnh, danh tiếng của cha Serghi
càng ngày càng lan rộng.