Dù ông lên tiếng dạy bảo mọi người hay chỉ ban phước một cách đơn
giản bằng việc cầu nguyện cho những người ốm, dù ông khuyên bảo mọi
người về cách sống của họ hay ông lắng nghe lời cảm ơn của những con
người đã được ông hoặc là chữa giúp cho lành bệnh, như người ta nói với
ông, hoặc ban cho lời dạy bảo, ông đều không thể lấy đó làm vui, không thể
không quan tâm tới những hiệu quả hoạt động của mình, tới ảnh hưởng của
hoạt động đó đối với mọi người. Ông tưởng như mình là một ngọn đèn
đang cháy, và càng nghĩ như thế ông càng cảm thấy ánh sáng thần của chân
lý yếu ớt đi, lụi tắt ở trong ông. "Mình làm bao nhiêu vì Chúa và bao nhiêu
vì con người?” - Đó là câu hỏi thường xuyên giày vò ông và chẳng những
ông không bao giờ có thể trả lời được câu hỏi đó, mà ông còn không dám
quyết định trả lời mình. Trong thâm tâm, ông cảm thấy rằng con quỷ đã
đem hoạt động vì con người đánh tráo lấy toàn bộ hoạt động vì Chúa của
ông. Ông cảm thấy thế bởi lẽ, cũng như trước đấy ông thấy khó chịu khi
người ta dứt ông ra khỏi cảnh cô tịch, thì bây giờ cảnh cô tịch của ông
khiến ông khó chịu, ông thấy nặng nề vì khách khứa viếng thăm, ông mỏi
mệt vì họ, nhưng trong thâm tâm ông thấy vui sướng vì họ, vui sướng vì
những lời ca tụng vây bọc lấy ông.
Thậm chí đã có lúc ông quyết định bỏ đi trốn. Ông đã nghiền ngẫm
mọi nhẽ xem nên trốn đi như thế nào. Ông chuẩn bị cho mình chiếc áo cánh
của nông dân, những mảnh vải quấn chân, áo choàng dài captan và chiếc
mũ lông. Ông giải thích rằng ông cần tới những thứ đó để cho những người
cầu xin. Và ông đã giữ những áo quần đó ở cạnh mình, nghĩ xem nên mặc
như thế nào, cắt tóc và bỏ đi ra sao. Thoạt đầu ông sẽ đi xe lửa, đi được độ
ba trăm versta thì xuống tàu, đi đến các làng. Ông đã hỏi một người lính già
xem nên đi như thế nào, người ta cho phép đi và bố thí ra sao. Người lính
đã kể cho ông biết những nơi nào người ta cho đi dễ dàng và bố thí hậu
hĩnh và thế là cha Serghi mong muốn làm theo lời chỉ dẫn đó. Thậm chí có
lần vào ban đêm ông đã mặc quần áo và định ra đi, nhưng ông không biết:
Ở lại hay bỏ đi, đằng nào hay hơn. Thoạt đầu ông do dự, sau đó sự do dự