được tung tích cái gã “đưa thư” bị giết hôm nọ.
Đầu óc Powell tức thì sáng hẳn ra. Người cao tuổi tiếp:
- Tên hắn là Calvin Lloyd. Trước là trung sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Năm 1959, đang làm cố vấn cho một đại đội thủy quân lục chiến Nam
Triều Tiên thì bỗng dưng biến mất. Có tin đồn – mà chắc là đúng thôi – hắn
đã nhúng tay vào vụ giết mẹ con một bà nội trợ rất nhẫn nhục ở Seoul. Bộ
chỉ huy hải quân có cho điều tra vụ này nhưng không tìm được bằng cứ
trực tiếp để buộc tội hắn. Tuy nhiên, có dư luận cho rằng hắn và mụ nội trợ
kia thường xuyên làm cái việc bỉ ổi là dắt gái cho đám lính tráng đóng tại
căn cứ hải quân nọ. Được ít lâu thì hai bên trục trặc với nhau về chuyện giá
cả, lời lãi gì đó. Rốt cục, người ta tìm thấy xác của hai mẹ con ở sau nhà;
còn Lloyd thì trốn biệt. Bộ chỉ huy thủy quân lục chiến có cho truy tìm
nhưng không tỏ ra hứng thú gì lắm. Đến năm 1961, thì Cục tình báo hải
quân được tin hắn chết bất đắc kỳ tử tại Tokyo. Nhưng hai năm sau, người
ta lại được tin: Lloyd đang buôn vũ khí ở Lào. Anh hình dung xem: trong
vụ này, hắn chỉ đảm đương phận sự của một cố vẫn kỹ thuật thôi chứ không
phải là đứa đầu trò đâu nhé. Chính vào thời gian ấy, hắn móc nối với một
anh chàng mang tên là Vincent Dale Maroule. Về nhân vật này, lát nữa tôi
sẽ kể tỉ mỉ sau. Tiếp đó, đến năm 1965, Lloyd lại biệt tăm biệt tích lần nữa.
Và cho mãi đến hôm qua, người ta vẫn đinh ninh rằng hắn đã chết rấp ở
đâu đó từ lâu lắm rồi.
Người cao tuổi ngừng lời. Powell hắng giọng như muốn tỏ cho sếp biết ông
định hỏi gì đó. Người cao tuổi lễ độ gật đầu tỏ ý bằng lòng. Powell lên
tiếng:
- Kể cũng mừng đấy. Ít ra bây giờ ta đã biết gã “đưa thư” nọ là ai. Nhưng
tin ấy có thể giúp ích gì cho việc điều tra chúng tôi?
Người cao tuổi giơ ngón tay trỏ bên trái lên với nhiều ngụ ý.
- Kiên nhẫn một tí chứ, anh bạn. Ta vội mà làm gì, phải đi tuần tự từng
bước một. Lát nữa, ta sẽ xem những nẻo đường nào đã giao nhau và chúng
gặp nhau ở đâu.
Kết quả khám nghiệm tử thi của Wazerby đã nêu ra một giả thuyết hay hay.
Nếu tính đến những biến cố nào được dùng là chỗ dựa cho giả thuyết ấy, tôi