Cả mấy người ngồi quanh bàn ăn, họ không uống nhiều rượu, chỉ một chai
là đủ. Lý Tiến là người lớn tuổi hơn, lại là lãnh đạo nên Tôn Kiện Quân
mời anh nâng cốc trước. Triệu Yến cũng uống, mới chỉ một cốc, mặt cô đã
đỏ bừng, Thương Nữ mời cô thêm một cốc cô từ chối nhưng Tôn Kiện
Quân đứng dậy ép cô phải uống cốc thứ hai. Tề Hồng không uống rượu, chị
uống sữa chua, sữa sẽ giúp cho da chị mịn màng hơn. Chị dồn sự chú ý của
mình vào hai thằng bé, biết đâu một ngày nào đó chị lại chả mang theo hai
đứa trẻ một trai một gái về Hàng Châu, bố mẹ chị sẽ sung sướng biết
nhường nào. Nam Tử lại xuống bếp làm thêm món canh cá. Triệu Ngư
buông đũa chờ Nam Tử lên.
- Không phải đợi, cứ ăn đi. Món gan phải ăn lúc nóng, Thương Nữ, sao cô
không ăn đi... - Tôn Kiện Quân nói.
Khi nhắc đến Nam Tử, Triệu Ngư đã nhảy từ Nam Tử này sang Nam Tử
khác: Nam Tử trong Luận ngữ mà Khổng Tử đã nói đến. Triệu Ngư nói với
Tôn Kiện Quân:
- Nếu lấy Nam Tử làm đề tài để viết một cái gì đó có lẽ sẽ rất có ý nghĩa.
- Tôi đang có cái ý ấy, - Tôn Kiện Quân cười, - hàng ngày nhắc đến tên vợ
mình, bỗng một hôm thấy hai chữ đó thân thương quá, nghĩ kỹ mới nhớ ra
đó là tên trong Luận ngữ. Tôi lập tức tìm sách đọc lại, kể cả cuốn Gia phả
nhà Khổng Tử của Tư Mã Thiên.
- Hình như chưa có ai viết về đề tài này thì phải. - Triệu Ngư nói.
- Người ta có ý né tránh vì đó là bậc hiền triết. - Lý Tiến nói.
- Việc gì phải né tránh, miễn là đừng động đến cái cần né tránh, chứ có gì
đâu. - Triệu Ngư nói.
- Khổng Tử đã dạy rồi, Thánh nhân còn phải né tránh thì làm sao hậu sinh
lại không né tránh? - Tôn Kiện Quân nói.
- Đọc Luận ngữ tôi có cảm giác vấn đề sắc hơn hai nghìn năm trước đã rất
cận kề, việc Thánh nhân lảng tránh chỉ là sự làm chậm lại quá trình mà
thôi. Khổng Tử nói về sắc đẹp, về quan hệ giới tính chỉ ở góc độ cá nhân
của ông thôi, việc coi sắc và đức là một chính là đã xã hội hóa vấn đề rồi.
Trong một cuốn Luận ngữ mà mấy lần nhắc tới giới tính cho thấy Khổng
Tử muốn né tránh nhưng không né tránh nổi. - Triệu Ngư nói.