Ngày anh lính ra ga về lại đơn vị, dì Uyên đến tiễn mà nước mắt lưng
tròng, anh lính hứa cưới xong sẽ để dành tiền cho dì Uyên đi Hà Nội ngắm
mùa thu. Nói rồi anh đi. Tiếng còi tàu ngân dài, ngân dài rồi khuất hẳn, đưa
người thương của dì đi về một miền xa chới với.
Mấy tháng sau đó, những lá thơ thưa dần, thưa dần rồi mất hút. Dì
Uyên chờ suốt cả năm vẫn bặt tin, má của dì cấm không qua lại chờ đợi gì
anh lính nữa. Dì nuốt nước mắt lên xe hoa với một anh chàng gần nhà, đã
trồng cây si dì suốt mấy năm trời. Dì lấy kẻo lỡ thì, lấy cho má yên tâm, lấy
cho vẹn chữ hiếu, lấy để bỏ lại một chữ tình.
Hôn nhân của dì là những tháng ngày bị chồng đánh, đánh lên bờ
xuống ruộng, đánh đến mất một lóng tay, dì tài hoa biết đàn biết hát, vậy
mà cây đàn xếp xó bởi những trận đòn thừa sống thiếu chết của ông chồng,
bởi ngón tay bị tật không thể bấm phím, tiếng hát cũng không còn có thể
cất lên. Tay ôm con nhỏ, vậy mà có đồng nào là chồng dì về vét hết mang
đi cho gái. Có bận để chiều lòng người tình, chồng dì nhẫn tâm bảo đứa con
gái của họ không phải con của gã mà là con riêng của dì. Ấy vậy mà dì
cũng chịu đựng gần hai chục năm trời bởi vì má của dì đã dạy: "Tại gia
tòng phụ, xuất giá tòng phu", bỏ chồng là mang nhục cho gia đình, cho
dòng họ. Mãi tận đến ngày chồng dì qua đời vì bệnh, dì mới được giải thoát
khỏi những tháng ngày ngập ngụa trong máu và nước mắt.
Chồng dì mất đâu gần chục năm thì vào một ngày hè oi ả, dì nhận
được điện thoại từ số máy lạ. Mấy chục năm, nghe giọng nhau qua điện
thoại chỉ một câu: "Em à?" mà dì vẫn nhận ra, người thương năm nào. Thì
ra má của dì năm đó đã nói với anh lính rằng nếu thương dì thì đừng viết
thơ nữa, để cho dì đi lấy chồng, chồng gần chồng xa gì cũng là chồng. Vậy
là anh một đi không trở lại. Anh cũng lấy vợ, sinh được một người con trai,
vợ anh lính cũng qua đời mấy năm trước.
Vài câu thăm hỏi, vài câu để biết rằng chuyện tình từ lâu ngỡ như đã
ngủ quên thì nay sống lại, rạo rực một niềm hy vọng để tìm lại đôi tay