mạnh. Khi lượng máu cung cấp cho não không đủ làm tăng cường hoạt động
của tim và co mạch ở các khu vực không hoạt động để dồn máu cho não.
2.3.4. Hệ bạch huyết
Vì lượng máu qua mao mạch là vô cùng lớn nên lượng dịch trong máu thấm
ra ngoài mạch máu phải được bù lại trong một ngày là khoảng 4 lít. Khoảng
85% dịch có trong máu thấm qua mao mạch vào dịch mô sẽ được trở lại máu
qua tĩnh mạch, 15% còn lại sẽ trở lại mạch máu thông qua các mạch của hệ
bạch huyết. Tuy thành mao mạch rất khó thẩm thấu đối với các phân tử lớn,
nhưng vẫn có một số protein đi qua thành mao mạch vào dịch mô và chúng trở
lại máu thông qua hệ bạch huyết. Dịch mô thấm vào mạch bạch huyết nhờ sự
khuếch tán qua mao mạch bạch huyết nằm xen kẽ với các mao mạch của máu.
Khi dịch mô đi vào trong mạch bạch huyết thì được gọi là dịch bạch, huyết
(lymph). Thành phần của dịch bạch huyết giống với dịch mô. Hệ bạch huyết
đưa dịch bạch huyết trở về hệ tuần hoàn ở vị trí gần chỗ tĩnh mạch chủ nối với
tâm nhĩ phải.
Dọc theo các mạch bạch huyết có các hạch bạch huyết có vai trò lọc bạch
huyết khỏi các nhân tố gây bệnh như virut và vi khuẩn. Các hạch bạch huyết có
vai trò trong miễn dịch của cơ thể. Trong hạch bạch huyết có mô liên kết chứa
nhiều bạch cầu có chức năng bảo vệ. Khi bị nhiễm trùng chúng tăng sinh rất
nhanh, do đó hạch bạch huyết bị mềm và phồng lên.
2.3.5. Máu và chức năng của máu
Trong các mạch của hệ tuần hoàn có chứa chất dịch gọi là máu. Đối với
động vật không xương sống có hệ tuần hoàn hở, máu (dịch máu) không khác
với dịch mô. Tuy nhiên, đối với động vật có xương sống thì máu chảy trong hệ
mạch kín, máu được xem như là mô liên kết lỏng.
a) Thành phần và chức năng của máu
Trong máu gồm có chất dịch lỏng gọi là huyết tương (plasma) và các tế bào
máu trôi lơ lửng trong huyết tương. Các yếu tố tế bào chiếm khoảng 45% thể
tích của máu, khi được ly tâm sẽ lắng đọng xuống đáy ống thành một lớp cặn
màu đỏ. Lớp bên trên trong suốt và có màu vàng nhạt chính là huyết tương
(hình 2.13).