Vận động thức, ngủ được xem là sự vận động của cơ quan thực vật theo
chu kỳ nhịp điệu đồng hồ sinh học tùy theo điều kiện môi trường.
+ Ngủ của chồi và đánh thức chồi ngủ: Chồi ngủ quan sát thấy ở một số
cây (bàng, phượng, khoai tây, cây xứ lạnh). Khi điều kiện khí hậu bất lợi
như mùa đông lạnh, tuyết rơi và nhiệt độ thấp kéo dài, ít ánh sáng, bộ lá
rụng hết. Sự trao đổi chất ở chồi ngủ diễn ra chậm và yếu: hô hấp yếu, rễ
không có sự trao đổi chất dinh dưỡng, hàm lượng nước trong cây thường
nhỏ hơn 10%, hầu như không có sự tổng hợp và sinh trưởng. Đời sống của
chồi ở dạng tiềm ẩn.
Trong thực tế có thể đánh thức chồi ngủ bằng “tắm lạnh”, “tắm nóng”,
bằng hóa chất (hơi ête, clorofooc, dicloetan, nước oxy già, các thioxyanat)
và các chất kích thích sinh trưởng. Cũng có thể kéo dài thời gian ngủ khi
cần thiết (khoai tây, khoai lang, hành tỏi,...) bằng các hợp chất kìm hãm.
+ Hạt ngủ và hạt nảy mầm: Hạt ngủ là hạt không nảy mầm ngay, phải đợi
sau một thời gian chín sinh lý của phôi mới nảy mầm. Đời sống của một hạt
phụ thuộc vào thời gian ngủ của nó. Các hạt có đời sống trung bình 3 - 10
năm. Hạt sen sau 200 năm vẫn nảy mầm, các hạt họ Liễu, Bạch dương đời
sống chỉ được vài tháng. Hạt đi vào trạng thái ngủ còn do ở vỏ chứa các
chất kìm hãm.
Ba nhân tố chủ yếu cần cho sự này mầm của hạt là nước, oxy và nhiệt độ.
Nước: Một hạt để nảy mầm được thì cần một lượng nước bằng 40% đến
150% khối lượng khô của hạt. Nước xâm nhập vào làm hạt trương phồng,
làm ướt vỏ hạt, tăng cường tính thấm khí, chất nguyên sinh giãn ra giúp tế
bào trở lại đời sống hoạt động.
Oxy: Oxy tham gia vào quá trình hô hấp của hạt. Trong trồng trọt, đất
thoáng thì sự nảy mầm thuận lợi. Trong quá trình ngâm ủ hạt giống, ngoài
việc cung cấp nước ẩm còn phải đảo hạt để tăng lượng O2 và tránh tích tụ
CO2.