nơi cần sinh trưởng và trao đổi chất. Nhờ có hệ mạch dẫn như vậy, nước và
các chất được vận chuyển rất xa. Ví dụ, lá của cây sồi cách rễ đến hơn
100m.
Sự vận chuyển trong các thực vật có mạch thể hiện ở ba mức độ: (1) vận
chuyển nước và chất hòa tan nhờ các tế bào, ví dụ như lông rễ; (2) vận
chuyển theo khoảng cách ngắn các chất từ tế bào này sang tế bào khác của
mô và cơ quan, ví dụ như vận chuyển đường từ lá đến các ống rây của
phloem; (3) vận chuyển theo khoảng cách xa trong mạch phloem và xylem
trong toàn cây. Các kiểu vận chuyển trên chịu tác động của các quá trình vật
lý khác nhau.
a) Sự thẩm thấu có chọn lọc của màng sinh chất
Các chất được vận chuyển qua màng có thể bằng phương thức vận
chuyển thụ động, hoặc bằng phương thức vận chuyển chủ động. Sự vận
chuyển thụ động của các chất qua màng theo gradien nồng độ và không tiêu
thụ năng lượng. Sự vận chuyển chủ động là sự vận chuyển các chất ngược
với gradien nồng độ và có tiêu thụ năng lượng. Nhiều chất hòa tan không
thể đi qua màng một cách trực tiếp mà phải thông qua các protein có trong
màng, phương thức vận chuyển như thế được gọi là vận chuyển dễ dàng.
Protein có thể đóng vai trò là chất vận chuyển (transporter) hoặc tạo nên
kênh vận chuyển (transport channel). Ví dụ: Màng sinh chất của đa số tế bào
thực vật đều có kênh kali để vận chuyển các ion K+ và kênh natri để vận
chuyển các ion Na+. Các kênh này hoạt động đóng hoặc mở tùy theo nhân
tố kích thích và nhu cầu của tế bào.
b) Vai trò của các bơm proton
Protein vận chuyển quan trọng nhất trong màng sinh chất của tế bào thực
vật là bơm proton. Bơm này sử dụng năng lượng từ ATP để bơm ion H+ ra
khỏi tế bào thực vật và dẫn đến kết quả là tạo nên một gradien proton với
nồng độ H+ ở phía ngoài tế bào cao hơn ở trong. Do đó, bơm đã tạo nên
một điện thế màng thể hiện ở chỗ là phía trong của tế bào tích điện âm so