Nếu người ta bảo bạn chỉ chỉ tên những nhạc cụ dùng trong khúc đầu bản
hòa tấu C thấp thì chắc bạn chỉ không được. Mặc dầu vậy, bạn vẫn tán
thưởng bản đó. Nó đã là lòng bạn rung động và sẽ làm lòng bạn rung động.
Bạn lại đã hăng hái khen bản đó với một cô - bạn biết tôi nói ai rồi chứ? Và
bạn còn có thể tuyên bố rằng bản đó của Beethoven và "mùi rất mực" nữa.
Nếu bạn đã đọc cuốn "Nghe nhạc cách nào?" của Krehbiel thì lần sau khi
nghe nhạc bạn thấy hứng thú tăng lên lạ lùng.
Đáng lẽ chỉ nghe thấy những thanh âm hỗn độn thì bạn sẽ nhận được rằng
bản hòa tấu là cả một tổ chức kỳ diệu mà mỗi nhóm phần tử đều có một
chức vụ riêng biệt và cần thiết. Bạn sẽ nhìn kỹ từng nhạc cụ một và nghe
thanh âm của nó; bạn sẽ biết một vài nhạc-cụ của Pháp khác của Anh ra
sao, sao nhạc công này lãnh lương cao hơn nhạc công kia, mặc dầu nhạc cụ
của họ không phải là thứ khó chơi như đàn vi-ô-lông. Thành thử, lần trước
bạn tới nghe hòa nhạc, chỉ thấy thích và mê mẩn như một em nhỏ ngó
những đồ chơi bóng lán, tóm lại, bạn chỉ có mặt ở đó thôi; còn lần này thì
khác, bạn hẳn đã thực là sống.
Bạn có thể học những điều căn bản để hiểu âm nhạc. Bạn có thể nghiên cứu
riêng về một loại âm nhạc nào (như loại hợp tấu chẳng hạn). Mỗi tuần học
ba buổi tối rồi thỉnh thoảng đi nghe nhạc thì trong một năm, bạn sẽ biết ít
nhiều về âm nhạc.
Bạn bảo: "Nhưng tôi rất ghét âm nhạc".
- Vâng, nếu vậy thì tôi rất quý bạn.
Nhưng những điều tôi nói về âm nhạc có thể áp dụng vào những nghệ thuật
khác. Chẳng hạn bạn có thể đọc cuốn "Xem tranh cách nào?" của Clermont
Witt, hay cuốn "Xét các công trình kiến-trúc cách nào?" của Russell
Sturgis. Đó là tôi mới kể tên những cuốn nên đọc trong bước đầu để tìm
hiểu nghệ thuật thôi. Loại sách để học đó ở Luân Đôn không thiếu gì.