Có thể nói rằng cảm giác luôn luôn ngóng trông, mong mỏi đó, hễ sống thì
phải có, không thể tách nó ra khỏi đời sống được.
Nhưng có nhiều mức độ. Một người có thể muốn tới thành La Mecque (Đất
thánh của những người theo Hồi giáo). Y đi, hoặc nhờ một công ty du lịch
chỉ dẫn, hoặc tự kiếm đường lấy. Y có thể không bao giờ tới thành La
Mecque. Y có thể chết trôi trước khi tới cảng Said; y có thể bỏ mạng một
cách không vẻ vang chút nào trên bờ Hồng hải; ý muốn của y có thể không
bao giờ thực hiện được. Sự mong mỏi mà không được thoả mãn có thể làm
cho y luôn bứt rứt. Tuy vậy, y không đến nỗi bị dày vò như kẻ muốn tới
thành La Mecque mà không bao giờ bước chân ra khỏi nhà mình.
Ra khỏi nơi mình ở cũng là khá rồi đấy. Phần đông chúng ta không ra khỏi
châu thành chúng ta ở, cũng không chịu kêu xe lại công ty du lịch hỏi giá
tiền một cuộc du hành tới La Mecque. Rồi ta tự bào chữa là không có thì
giờ, rằng mỗi ngày chỉ có 24 giờ thôi.
Nếu phân tích kỹ thêm lòng mong mỏi, bồn chồn đó thì ta sẽ thấy nguyên
do ở điều này: ta luôn luôn tự cho là phải làm thêm cái gì ngoài bổn phận
của ta. Bổn phận của ta là phải làm việc để nuôi thân và gia đình, là phải trả
hết nợ nần và dành dụm cho nhà cửa thêm thịnh vượng. Nhiệm vụ đó cũng
đã khó khăn đấy chứ! Ít người làm tròn được. Một nhiệm vụ đôi khi quá
sức con người! Vậy mà, dù làm tròn được như lúc ta đã làm, ta cũng chưa
được mãn nguyện, hồn ma trên kia vẫn lẩn quẩn quanh ta.
Và cả khi ta thấy nhiệm vụ quá sức ta, ta phải chịu thua, mà ta vẫn nghĩ
rằng nếu bắt sức ta làm thêm được cái gì nữa thì ta ít bất mãn hơn.
Sự thật là như vậy. Ý muốn làm được việc gì ngoài chương trình đã ấn định
là ý muốn chung của những người có một tâm hồn khá!
Hễ chưa gắng lắm cái gì để thoả mãn ý muốn đó thì lòng ta chưa yên.