của Hoàng Hợp Tác, người sau này sẽ là vợ tôi, khi anh ta nhảy lên lưng cậu, trong
chớp mắt ấy, Hoàng Hỗ Trợ đã yêu anh ta rồi.
Bố lên tỉnh chưa về thì thức ăn cho trâu trong nhà đã hết sạch. Nhớ lời bố dặn trước
khi đi, ngày nào tôi cũng dắt cậu ra bờ sông đào để thả. Khi còn là lừa, cậu đã từng
rong chơi ở đấy nên địa hình hai bên bờ sông đều thuộc nằm lòng. Năm ấy mùa xuân
đến muộn, tuy đã là tháng tư nhưng những tảng băng giữa dòng sông vẫn chưa tan hết,
hai bên bờ cỏ dại héo úa vàng vọt, thường có những con chim nhạn, thỏ hoang và cả
chồn ẩn nấp trong ấy. Những con chồn với bộ lông sáng lấp lánh giống như những đốm
lửa ẩn hiện giữa lau sậy um tùm.
Giống như gia đình ta, thức ăn cho gia súc của đội sản xuất cũng đã không còn. Hai
mươi bốn con trâu, bốn con lừa, hai con ngựa của đội cũng được đưa ra chăn thả ở bờ
sông ấy. Người chăn súc vật là Hồ Tân, ngoài ra còn có Tây Môn Kim Long. Lúc bấy
giờ, chị Bảo Phượng đã được điều động lên cục vệ sinh huyện theo học lớp kỹ thuật hộ
sinh, chắc chắn chị ấy sẽ trở thành người đầu tiên của thôn có trình độ về kỹ thuật đỡ
đẻ. Hai chị em họ vừa gia nhập công xã là được trọng dụng ngay. Cậu nghi ngờ lời tôi?
Bảo Phượng đi học đỡ đẻ, có thể gọi là được trọng dụng, nhưng còn Kim Long bị điều
đi chăn trâu sao có thể gọi là được trọng dụng chứ gì? Chăn trâu rõ ràng không thể gọi
là trọng dụng rồi, nhưng anh ta còn kiêm luôn công tác ghi công cho xã viên nữa đấy!
Mỗi đêm, trong phòng ghi công, dưới ngọn đèn dầu, anh ta ngồi ghi ghi chép chép một
cách tỉ mỉ tình hình lao động của từng xã viên vào trong một cuốn sổ. Người được cầm
bút, há không phải là được trọng dụng sao? Việc hai con được trên chú ý làm mặt mẹ
tôi sáng bừng niềm vui, nhưng khi nhìn thấy tôi hàng ngày dắt cậu đi thì không giấu
được nỗi buồn, bởi suy cho cùng thì tôi vẫn là con đứt ruột đẻ ra của bà mà.
Thôi, không nói lung tung nữa, tôi sẽ nói về Hồ Tân. Tôi chưa từng thấy ai lùn như
anh ta, giọng nói không phải là người Cao Mật, mỗi câu nói ở những tiếng cuối cùng
đều lên giọng một cách khó chịu. Anh ta vốn là trưởng bưu điện công xã, nhưng do
thông dâm với một nữ quân nhân chưa chồng nên bị phạt lao động tạp dịch, sau khi
mãn hạn được cho về làng Tây Môn sinh sống. Bạch Liên, vợ anh ta, vốn là cô nhân
viên trực điện thoại ở bưu điện làng Tây Môn. Cô ta lúc nào cũng trang điểm lòe loẹt,
môi đỏ răng trắng, giọng nói ngọt lịm, quan hệ rất mật thiết với hầu hết cán bộ công xã.
Trước cửa sổ nhà cô ta có trồng một cái trụ bằng gỗ cây sam, trên đó mắc mười tám
đường dây điện thoại được kết nối với một cái bàn giống như bàn trang điểm của phụ
nữ. Lúc còn đi học tiểu học, từ phòng học lúc nào cũng nghe giọng nói như hát của cô
ta: Alô, gặp ai? Làng Trịnh Công à? Chờ nhé! À, đây rồi... Lớp học chán ngấy, những
đứa trẻ tinh nghịch chúng tôi thường bám vào bậu cửa sổ nhìn vào trong phòng, chăm