chuyện vợ chồng với Hợp Tác lần thứ hai mươi - cũng là lần cuối cùng – với hy vọng
thoát khỏi những mâu thuẫn giằng xé trong lòng, tuy đã cố gắng hết sức nhưng trên bảo
dưới không nghe, cuối cùng tôi đành bất lực. Vợ tôi thở dài buồn bã, quay lưng về phía
tôi và tấm tức một mình.
Sáu ngày sau đó, cho dù tôi về cơ sở hay trên hội trường, đang đi thơ thẩn hay ngồi
bên tiệc rượu, ở trên xe hay ngồi trong văn phòng, nói tóm lại là bất kỳ lúc nào, bất kỳ
ở đâu... tôi đều thấy hình bóng của Xuân Miêu. Nhưng tôi cũng nhận ra điều này: Tôi
càng cố gắng hình dung thì hình bóng của Xuân Miêu càng trở nên mơ hồ và mông
lung. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi nụ hôn kỳ diệu lần ấy và tôi biết mình chẳng thể nào trốn
chạy được khỏi sự mê đắm điên rồ này. Trong đầu tôi luôn luôn có một sự cảnh tỉnh:
Dừng lại ngay thôi! Thế là đủ rồi! Nhưng rõ ràng lời cảnh tỉnh ấy mỗi ngày một yếu đi.
Trưa chủ nhật, có khách trên tỉnh về và buộc lòng tôi phải đến nhà khách huyện dự
chiêu đãi, ở đó tôi gặp Bàng Kháng Mỹ. Cô ấy mặc chiếc quần dài màu lam, trên cổ
đeo vòng ngọc thạch, gương mặt không son phấn nhưng vẫn đẹp. Khách ngày hôm ấy
là trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Sa Vũ Tĩnh, người đã từng làm việc tại Cao Mật, là chỗ
quen biết cũ với tôi khi học ba tháng với nhau ở lớp chính trị cao cấp dành cho cán bộ
chủ chốt toàn tỉnh. Ông ta vốn là khách của huyện ủy, nhưng khi đến Cao Mật ông ta
gọi đích danh tôi đến để gặp mặt nên tôi không thể tránh. Ngồi dự tiệc mà tôi như ngồi
trên nệm đầy kim châm, miệng đắng cổ khô. Bàng Kháng Mỹ ngồi ghế chủ tọa, rót
rượu chào mời sao mà ngọt ngào khiến vị trưởng ban tổ chức một lát sau đã mắt mờ
lưỡi cứng. Trong khi uống rượu, tôi thấy Bàng Kháng Mỹ lạnh lùng liếc xéo nhìn tôi
đến ba bốn lần. Tiệc tan đưa khách về phòng nghỉ xong, cô ta cười cười nói nói cùng
mọi người tạm biệt. Khi xe đến, cô ta bắt tay tôi; mặc dù tôi tỏ ra rất hờ hững nhưng cô
ta lại cực kỳ thân tình:
- Đồng chí Lam! Sắc mặt đồng chí không được tốt lắm, coi chừng bị bệnh thì nguy
mất!
Khi đã ngồi trong xe, nhớ lại lời Kháng Mỹ, tự nhiên tôi không lạnh mà cảm thấy
run. Tôi tự cảnh cáo mình: Lam Giải Phóng, nếu không muốn thân bại danh liệt thì phải
dừng ngựa trước vách núi thôi! Nhưng khi tôi đứng tựa vào cửa sổ, phóng tầm mắt nhìn
về phía hiệu sách và thấy bốn chữ “Tân Hoa thư điếm” sáng rực dưới ánh nắng mặt trời
thì tất cả nỗi sợ hãi dường như tan biến đi đâu cả, lại chỉ là hình bóng của Xuân Miêu.
Tôi vớ lấy chiếc ống nhòm quân dụng do Liên Xô sản xuất điều chỉnh cự ly và nhìn
thẳng vào cửa hiệu sách. Hai cánh cửa nặng nề đang khép hờ, thi thoảng có người ra
vào và tôi chờ hình bóng yêu kiều của tôi xuất hiện. Cô ấy sẽ qua đường và nhẹ nhàng
đến bên cạnh tôi. Nhưng những người rời khỏi cửa hàng không phải là cô ấy mà đều là