một nhiệm vụ vĩ đại của làng Tây Môn, không, của hằng hà sa số những công xã nhân
dân lúc bấy giờ. Hồng Thái Nhạc không biết bằng cách nào đã huy động được rất
nhiều người đức cao vọng trọng, nào là bác Mao Thuận Sơn, nào là chú Phúc Thủy
Nguyên, nào là ông Trần Bộ Đình... lại còn có cả cái bà lắm lời Dương Quế Hương, bà
Tô Nhị Mạn, bà Thường Tố Hoa, thím Ngô Thu Hương, thậm chí cả mấy thằng bé
miệng mồm cực kỳ lợi hại như Mạc Ngôn, Lý Kim Trụ, Ngưu Thuận Oa... thôi thì nhớ
đến đâu nói đến đó, kỳ thực còn rất nhiều người khác, đến chật cứng cả nhà giống như
đi làm mai mối cho con gái, cầu hôn cho con trai... mặc sức mà ba hoa khoác lác, trổ tài
ăn nói. Đàn ông thì vây quanh bố, đàn bà thì quây quần bên mẹ, còn bọn trẻ con thì tụ
tập quanh anh chị tôi, tất nhiên cũng chẳng tha cho tôi. Khói thuốc của cánh đàn ông
mù mịt đến nỗi con hổ vẽ trên tường nhà tôi cũng phải say lảo đảo, những cái mông của
đàn bà ngồi đến mòn vẹt cái giường gỗ cạnh bếp lò nhà tôi. Còn bọn trẻ con thì khỏi
phải nói, quần áo, đồ đạc của anh em tôi đều bị chúng xé nát. Vào công xã! Chúng tôi
mời ông vào công xã! Hãy giác ngộ đi! Đừng lầm đường lạc lối nữa!... Không vì mình
thì cũng vì con cái! Hãy gia nhập công xã!...
Tôi nghĩ là cậu trong những ngày ấy, những gì mà mắt cậu thấy, tai cậu nghe đều
liên quan đến chuyện vào công xã của bố tôi. Đang lúc bố tôi dọn dẹp phân trong
chuồng thì như những chiến binh trung thành, những ông già bà cả bao vây bên ngoài
chuồng, khuyên lơn:
- Cháu Lam! Vào công xã đi. Cháu không vào, mọi người mất vui, ngay cả con trâu
của cháu cũng buồn!
Lam - Ngàn - Năm xen vào câu chuyện của tôi:
- Dựa vào đâu mà họ nghĩ tôi không vui nhỉ? Kỳ thực là lòng tôi đang rất hồ hởi. Họ
đâu biết rằng tôi là Tây Môn Náo. Vâng, tôi đúng là Tây Môn Náo, một thằng địa chủ
bị bắn vỡ sọ, một con lừa bị xẻ thịt, làm sao có thể tự nguyện đứng cùng với kẻ thù của
mình? Vì sao tôi lại yêu mến bố anh? Vì tôi biết chỉ có theo bố anh mới có thể tự làm tự
ăn mà thôi.
... Đám phụ nữ ngồi xếp bằng trên giường bên bếp lò, mặt mày trơ tráo, tự nhiên
như người thân thích trong nhà, miệng huyên thuyên sùi cả bọt mép, nói đi nói lại
những lời đáng ghét giống như cái máy cát sét tua đi tua lại trong các quán nhỏ bên
đường. Ngay cả đến đứa bé như tôi cũng chịu không nổi, phải la lên:
- Bà Dương vú to, thím Tô mông bự! Các người đi khỏi nhà tôi ngay! Tôi chán ngấy
các bà rồi!
Thật là lạ, họ không hề giận dữ, cứ vừa cười vừa nói với tôi: