Không hiểu tại sao những người tham mưu ở Bộ Thương nghiệp nghĩ
ra đủ loại tem phiếu số mua hàng đến từng thứ nhỏ nhặt nhất như kim chỉ,
thế mà họ quên không có tiêu chuẩn cung cấp cho đám cưới. Đáng lẽ mỗi
đám cưới phải được bán với giá cung cấp một chiếc màn đôi, một chiếc
giường đôi, rồi chăn, gối, nệm... chứ, là những thứ cốt yếu nhất để vợ
chồng trẻ ra “ở riêng”. Nếu nghĩ ra tiêu chuẩn cung cấp từ đầu cho các vợ
chồng mới cưới thì Nhà nước được tiếng chu đáo, tình cảm hơn với người
dân. Đơn giản thế nhưng những người làm chính sách thời bao cấp ấy đã
không nghĩ đến. Đó là sự thiếu nhân văn cần thiết của chính sách. Âu cũng
tại thời buổi người đông của khó.
May là đám cưới của tôi không có ông chủ tịch xã, đỡ nghe huấn thị
hàng giờ như đám cưới anh Ninh ở làng. Nhưng vẫn có phông màn vẽ đôi
bồ câu mớm cho nhau, hai chữ KT (Khôi – Tâm) lồng nhau trong trái tim
hồng và câu khẩu hiệu kinh điển “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”,
rồi “Trăm năm hạnh phúc”, do kỹ sư thương nghiệp Nguyễn Văn Bạo,
người bạn học với tôi từ vỡ lòng đến đại học rồi lại cùng đơn vị công tác tôi
đã kể trên kia, trang trí. Cô dâu mặc áo Hồng Kông (một loại áo cánh may
theo kiểu Hồng Kông), quần lụa. Cũng chẳng làm đầu, son phấn gì. Chú rể
là tôi thì mặc bộ quần áo sơ-vin vẫn đi làm hàng ngày, chẳng com-lê cà vạt,
cũng chẳng thắt nơ, gắn hoa hồng gì. Thú thực lúc đó tôi không có tiền để
may com-lê. Hơn nữa tính tôi cũng không thích ăn mặc chải chuốt. Đơn
giản thế mà tiệc cưới vui đáo để.
Đám cưới của tôi không có MC dẫn chương trình nói năng lưu loát
như bây giờ. Tất cả tự biên tự diễn. Nhiều người đọc thơ, hát. Cả ông Giám
đốc Thoan già cũng ứng khẩu đọc thơ vui:
Em cưới chồng rồi, anh cưới ai
Nhớ thương như pháo nổ inh tai
Rồi e tim vỡ thành muôn mảnh