sinh cầm tờ báo ra che lấy chỗ kín. Người ngồi trong, kẻ đứng ngoài còn
vui vẻ nói chuyện. Đi xong cũng không thèm dội, nhiều khi bị tắc nghẽn
tràn ra hố cũng không ai xử lý. Người ta đặt hai viên gạch lên, đứng lên đi
rồi thản nhiên đại tiện. Nhớ lại mà rùng mình. Nhà vệ sinh là tấn thảm kịch
ghê rợn nhất thời bao cấp.
Cưới nhau xong, công ty ngăn cho chúng tôi một cái phòng khoảng
15m
2
ngay trong văn phòng công ty để ở. Vợ chồng tôi khuân hai chiếc
giường đơn công chức đến nhờ cậu ruột của vợ tên là Võ Công Giai ở Ủy
ban Kế hoạch tỉnh Bình Trị Thiên ghép thành cái giường đôi. Chỗ tôi ở là
khu Viễn Đệ (13 Phan Đình Phùng lúc đó), là khu nhà của ông Viễn Đệ,
một tư sản dân tộc có bà vợ ba lúc ở Pháp là người phục vụ Bác Hồ khi Bác
sang Hội nghị Phôngtennơblô năm 1946. Ông bán cho Công ty Thực phẩm
nông sản với giá 20 triệu năm 1976. Khuôn viên khu nhà như một vườn
hoa, rất đẹp. Tôi ở căn phòng bên rìa của nhà tập thể. Cái vách ngăn bằng
cót ép, ban đêm bên kia làm gì bên này đều “thấy”, dù tắt đèn. Có lần tôi
thức làm thơ tới hơn một giờ sáng, đứa trẻ nhà bên thức dậy la lớn: “Eo ơi,
mẹ ở lổ! Răng mẹ ở lổ?” (“ở lổ” tức là cởi truồng). Chết cười.
Ở khu Viễn Đệ, khu tập thể nhưng có nhà vệ sinh của cơ quan rộng
rãi. Khi gia đình chuyển lên khu tập thể ở 31 Phan Bội Châu, thì đúng là 20
gia đình chỉ có hai cái cầu bệt. Tôi đã nhiều lần chờ không nổi, phải chạy
vào nhà mình đi vệ sinh vào bô trẻ con. Hình như những người thiết kế nhà
cửa thời bao cấp không hề quan tâm đến “đầu ra”. Tất cả mọi người, con
gái con trai mới lớn, trẻ con, người già đều nhẵn mặt nhau ở cái nhà cầu tập
thể nhơ nhớp và đông chật ấy hàng ngày. Một ngày qua, cầu đầy, không ai
dội, đau bụng vào ngồi cầu như ngồi trên đống phân! Hôi hám, nhơ nhớp
không chịu nổi. Giờ nhớ lại vẫn nổi da gà! Đúng là một thời cán bộ công
chức Nhà nước sống khốn khổ như thế. Nhưng chẳng ai có ý kiến đề xuất
phản đối gì!