Đói vẫn hoàn đói
Làng tôi là bãi ngang, chuyên làm biển lộng, gọi là đánh bắt vặt bằng
các nghề như xăm trũ
, đi câu mực, đi giạ ruốc. Thuyền ra biển chỉ vài ba
cây số. Không kiếm được tiền nhờ nghề biển, dân làng lấy gạo, vải Nhà
nước cấp cho đem ra chợ bán kiếm tiền chi tiêu. Có gạo có vải Nhà nước
cấp, nhưng nhiều gia đình vẫn đói kém quanh năm, vẫn ở trong các ngôi
nhà lợp tranh, lợp cỏ rười, cột gỗ dương lụp xụp. Khoai sắn là chủ yếu. Bữa
cơm dọn ra chỉ nồi cơm độn sắn khoai với bát nước mắm. Gia đình nào khá
hơn, trẻ con mỗi bữa được lưng bát cơm không độn. Nhiều gia đình phải
thiếu ăn chạy khắp làng vay gạo.
Cá hợp tác đánh về, đội sản xuất có 46 hộ chia 46 phần bằng nhau.
Chia ngay trên bãi cát. Cá lẫn với cát. Nhà nào cũng không rửa kỹ vì thiếu
nước sinh hoạt, ăn cá nhai cát rào rạo, ê cả răng. Thời ấy, dân làng biển
Thượng Luật của tôi “âm lịch” đến mức các thứ hải sản quý như đẻn (rắn
biển), ghẹ (gọi là con vọ), hay cá khoai... nếu vướng vào lưới thì cho là xui,
bắt ném trả biển, không bao giờ ăn. Cá khoai một thời tràn vào trong lộng,
cạnh bờ, người ta xúc cả gánh, gánh lên đổ vào hố làm phân trồng khoai,
hay bón cho cây dừa. Bây giờ thời kinh tế du lịch, một con đẻn dài 1 mét
giá cả triệu đồng! Cá khoai giá 100 ngàn một ký, thèm cũng không mua
được mà ăn! Nghĩ mà tiếc!
Một thời gian bà con ngư dân làng Lý Hòa ở Bố Trạch, Quảng Bình
vào cắm trại đánh cá khơi. Họ mới bày cho cách cắm chà để đánh cá. Chà
là cây tre cột vào rọ đá, dây thừng dài theo độ sâu của biển (sâu 21 hay 22
sải nước) thả xuống biển, chung quanh buộc các loại lá như lá dừa, nhử cá
đến núp rồi bủa lưới xung quanh, mới đánh được loại cá nục, cá ngừ. Dân
làng khấm khá lên. Khi ngư dân Lý Hòa về quê họ, làng cũng mất dần nghề
bủa chà. Đói vẫn hoàn đói!
Còn cha gót đỏ như son