Chị xuống tận Ninh Bình đặt họ làm một cái cối xay bằng đá, xay tay.
Hàng ngày ra chợ Đồng Xuân mua đậu nành về ngâm. Hai ba giờ sáng thức
dậy xay bột đậu nành rồi pha thành từng chai sữa đi bỏ mối cho các nhà
xung quanh. Vì hồi đó buôn bán tư nhân bị cấm, các mối phải bán chui ở
trong nhà. Sữa đậu này chị Trai làm ngon, người uống ngày càng tăng và
các mối cũng tìm đến mua ngày càng nhiều. Ở nhà mình, chị cũng bán sữa
đậu nành. Chẳng dám làm quán xá gì. Khách cứ lẳng lặng vô nhà mua chai
sữa bỏ túi xách đem về. Nhờ sản xuất bán chác chui lủi như thế mà thu
nhập có tháng gấp đôi lương công chức.
Chị Ngọc Trai còn kể chuyện nhà triết học nổi tiếng thế giới của Việt
Nam Trần Đức Thảo sang Liên Xô mua quạt tai voi về bán rất vui. Lần ấy,
chồng chị Ngọc Trai cùng với nhà triết học Trần Đức Thảo tình cờ cùng đi
một chuyến bay sang Liên Xô họp. Trước khi về, anh chồng chị Trai thì
ngây ngô chẳng biết gì, vì cả đời đã có vợ lo. Còn nhà triết học thì không
biết ai bày cho mà biết mua quạt tai voi mang về Hà Nội bán. Nghe nói bán
quạt tai voi lời lắm, một vốn năm bảy lời. Có bao nhiêu tiền, anh Trần Đức
Thảo mua quạt tai voi hết. Đến khi đóng hàng lên máy bay thì vượt quá tiêu
chuẩn cho phép. Thế là phải bỏ ra. Nhà triết học phải nhờ anh chồng chị
Trai mang hộ về. Về đến Hà Nội bán hết hàng, nhà triết học còn nhờ người
mang tiền đến nhà chị Trai “trả thù lao” cho người mang hộ hàng về! Thật
sòng phẳng và tử tế.
*
Thế đấy! Nhà văn, nhà thơ, nhà triết học nổi tiếng thì cũng là con
người, nên phải lo toan bao nhiêu cái mà con người hàng ngày phải lo.
Nhưng có điều khác hơn là họ biết vượt lên tất cả sự lo toan thường nhật đó
để viết văn, làm thơ. Tức là làm ra sản phẩm tinh thần cho toàn xã hội. Bởi
thế thời đó có câu thơ dân gian về nhà văn rất cảm động:
Bản thảo đặt trên rá gạo (vì không có bàn viết...)