hoảng hồn vội vàng kéo thằng Hải ra về, nói ẻ quẹt không xem nữa, về mau
không tên bay đạn lạc”.
Còn rất nhiều chuyện vui tương tự. Mỗi tội mở đầu buổi chiếu bao giờ
ông chủ tịch xã cũng phát biểu “huấn thị” bà con. Huấn thị là “mốt thời
đại” của lãnh đạo thời đó. Mấy vị lãnh đạo thôn, xã nói như đọc thuộc lòng
sách chính trị, y như ông lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh nói với họ. Hồi đó
ông Hoài là chủ tịch xã. Ông Hoài tên họ đầy đủ là Nguyễn Quang Cháu.
Làng tôi gọi ông Hoài là gọi theo tên con gái lớn của ông. Ông là một trong
những chủ tịch xã Ngư Thủy quê tôi có tài hùng biện nhất. Ông có thể nói
vo suốt đêm, suốt ngày. Ông làm chủ tịch xã lâu nhất, từ sau Cải cách
ruộng đất đến Chiến tranh phá hoại (1965) mới thôi. Nên bà con làng xã
chịu “bệnh nói” của ông dài nhất. Nhất là lũ trẻ chúng tôi khi có phim lưu
động về. Ông mở đầu cuộc nói bằng cái đằng hắng, rồi lên giọng: “Hôm
nay tôi xin nói với bà con ba điểm cần quán triệt... Điểm thứ nhất là...”.
Ông nói tới chục cái “điểm thứ nhất là...” rồi sáu bảy lần “điểm thứ hai
là...” hết hơn tiếng đồng hồ.
Tôi ngủ quên lúc nào không biết. Anh Ninh lay tôi dậy thì nghe ông
đang nói “điểm cuối cùng...”. Tôi nghe đến mấy lần “điểm cuối cùng” thì
ngủ luôn ở bãi chiếu phim cho đến sáng, anh lay cũng không dậy được nữa.
Sáng dậy mới biết hôm qua mình đi xem phim. Hàng chục lần như thế.
Không có lúc nào bọn trẻ chúng tôi thức đến khi có phim truyện cả. Sau
này về quê, gặp ông Hoài đã già, tôi nhắc lại chuyện coi chiếu phim, nghe
ông phát biểu “huấn thị”. Ông cười khề khề: “Nghề chủ tịch xã là nghề nói
mà, nghề nói mà...”.
Kẻ roọng: (tiếng địa phương) đó là cách người làng tôi gọi người miền nông.