SỐNG THỜI BAO CẤP - Trang 36

3. Ký ức học trò

Sau hòa bình năm 1954, xã tôi hoàn toàn không có trường lớp. Phong

trào bình dân học vụ không về tới làng tôi. Cả làng tôi mù chữ, đúng hơn
làng tôi chỉ có cát và cá, không có chữ. Trong làng có đôi ba người biết chữ
đã theo cách mạng hoạt động, hòa bình lập lại đều công tác ở huyện. Ba
năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tức là năm 1957, làng tôi vẫn không
có trường học. Duy nhất có anh Ngô Văn Khương được ba tôi cho đi học
văn hóa vùng tự do Dương Thủy cách nhà 8 cây số từ năm 1952. Mỗi sáng
ôm sách vở đi 8 cây số đến lớp. Anh tôi học hết lớp 4 thì bỏ học. Rứa mà
được cho là người có học nhất làng.

Người thầy đầu tiên

Người khai sinh ra “nền giáo dục” ở xã tôi là thầy Quảng Bá Hùng,

người Hội An, Quảng Nam. Thầy Quảng Bá Hùng tốt nghiệp trường Trung
cấp Sư phạm Hải Dương, xung phong vào Quảng Bình nhận công tác. Về
vùng gió Lào cát trắng, vùng đất “Ô Châu ác địa” (Quảng Bình là đất Ô
Châu/ Ai đi đến đó quẩy bầu về không)
đã khổ rồi, thầy lại tình nguyện về
xã biển góc Nam tỉnh đang mù chữ để mở trường, càng gian khổ gấp bội.

Được Phòng Giáo dục huyện thông tin là có thầy Hùng về mở trường,

chủ tịch xã cùng bà con cô bác lên tận Động Cao đón. Ai cũng hồ hởi phấn
khởi. Cả làng tôi không ai có xe đạp. Thầy nghèo, mới ra trường, cũng
không có xe đạp, thầy phải cuốc bộ leo hai động cát cao từ làng Thượng
Luật vào Quốc lộ 1A hết 7 cây số, lên huyện thêm 13 cây số nữa để họp, để
nhận lương, để xin ý kiến ở Phòng Giáo dục. Tháng nào cũng phải cuốc bộ
ba bốn lần như vậy. Đời tôi không thấy thầy nào chấp nhận đi dạy vất vả
như thầy Hùng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.