Thầy Hùng còn đi biển đánh cá, kéo khuyếc với bà con ngư dân làng.
Thầy dẫn học trò đi trồng cây phi lao trên cát để chắn gió, để “có màu xanh
mà nương tựa”. Năm 1960, xã tôi có ông Ngô Xuân Mốc được phong Anh
hùng Lao động vì có thành tích trồng cây chắn cát. Thầy Hùng ra nhà Anh
hùng Mốc xin cây phi lao giống, rồi thầy đào hố, chặt bổi, nhồi phân bò,
phân lợn bằng tay, học trò thì xách cây phi lao bỏ xuống hố. Dân làng tôi ai
cũng tặc lưỡi khen: “Thầy Hùng cao ráo, đẹp trai mà lao động không sợ
bẩn”. Rừng dương (phi lao) thầy Hùng cùng học sinh trường cấp một Ngư
Thủy và bà con trồng dạo đó, đến thời chống Mỹ đã thành gỗ cho C Gái
làm trận địa, dân quân làng làm công sự chiến đấu, bà con làm hầm trú ẩn
suốt chục năm ròng đánh Mỹ.
Cảm động nhất là chuyện thầy Hùng đưa cây dừa về trồng ở làng tôi.
Hồi đó, một lần thầy Quảng Bá Hùng đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua của
Ty Giáo dục Quảng Bình ở Đồng Hới, thấy người ta đang trồng hàng dừa
kết nghĩa Bình – Trị – Thiên bên bờ sông Nhật Lệ, thầy liền liên hệ xin
được sáu quả dừa giống đưa về làng Thượng Luật. Thầy hì hục khuân cõng
dừa giống lên xe, gùi dừa vượt gần chục cây số Động Cao, Động Thấp đưa
về làng tôi trồng. Thầy hì hục đào hố, xúc phân trồng dừa ở nhà o tôi hai
cây, ở nhà tôi hai cây, còn hai cây trồng ở trụ sở hợp tác. Từ đó làng tôi
nhân giống “dừa thầy Hùng” lên, nhà nào cũng vài ba cây dừa. Hai cây dừa
ở nhà tôi do thầy trồng đến giờ vẫn còn. Mạ tôi đã ở dưới bóng hai cây dừa
đó 28 năm ròng. Tôi đã làm bài thơ Cây dừa vườn mạ:
Vườn mạ bây giờ cát xóa
chỉ còn cây dừa như dây neo kiên nhẫn nối biển bờ
như dây diều mong manh thả lên trời
những cánh lá rách bươm và chùm trái ngọt...
... Mạ ơi