Thầy Hùng là Người thầy đầu tiên, người thầy Quảng Nam khai sáng
giáo dục Ngư Thủy quê tôi. Thầy vẫn hứa sẽ có một lần ra thăm quê vợ và
về làng biển Thượng Luật thăm bà con cùng những lứa học trò xưa, thăm
“cây dừa vườn mạ”. Khi tôi in xong bộ sách tuyển Ngô Minh tác phẩm, tôi
gửi tặng thầy Quảng Bá Hùng một bộ. Nhận được sách, thầy điện cho tôi,
giọng nghẹn ngào: “Học trò xưa của thầy giỏi lắm. Cám ơn em đã nhớ đến
thầy!”. Ôi, thầy ơi, thầy Quảng Bá Hùng làng Thượng Luật ai mà chẳng
nhớ... Cái thời bao cấp đói kém ấy, thầy là một thần tượng của Ngư Thủy
quê em...
Từ trường làng lên trường huyện
Thời bao cấp khổ thế nhưng chúng tôi học chăm chỉ lắm. Thầy cô giáo
dạy dỗ học trò rất tận tình, tuy trình độ có hạn. Năm 1962, tôi học lớp 5
trường làng, cuối năm được chọn đi thi học sinh giỏi của tỉnh. Anh Ngô
Tấn Ninh lúc đó học lớp 7 từ Vĩnh Linh chuyển ra, cũng được trường chọn
đi thi học sinh giỏi. Địa điểm thi ở trường cấp hai xã Tân Thủy, cách làng
tôi 8 cây số. Hai anh em phải vượt động cát cao, đi bộ tiếng rưỡi đồng hồ
mới tới chỗ thi. Mạ tôi gói cho hai anh em một mo cơm không độn, coi như
phần thưởng học giỏi. Hai anh em đến nơi thì trống đã điểm vào lớp, rồi
mải mê làm bài, nộp bài xong đi về, trèo lên đến động cát cao mới sực nhớ
gói cơm của mạ!
Đó là lần đầu tiên tôi ra khỏi làng, tiếp xúc với thiên hạ ngoài làng
mình. Tới năm lớp 7, tôi cũng được trường chọn đi thi học sinh giỏi toàn
tỉnh, rồi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi toàn quốc (tức toàn miền
Bắc). Vì chiến tranh, cả huyện Lệ Thủy chỉ có hai học sinh đi thi là tôi và
một cô bé ở trường Phong Thủy. Hai đứa được bố trí ngồi trong một phòng
thi rộng thênh thang. Bài thi toán khó đến mức các thầy được vào phòng thi
tự do mà không thầy nào bày cho học trò được bài toán nào cả.
Tôi nhớ có đề toán như sau: “Các công nhân khai thác gỗ của ngành
lâm nghiệp có một công thức tính chu vi khối gỗ rất đơn giản, nhanh chóng