như thế nào, cứ vô tư quên hẳn chuyện có món tiền lớn mẹ bới cho. Đến
khi ra tới trường đại học mới nhớ, may không mất.
Đoàn học sinh cấp ba Lệ Thủy được gọi vào Đại học Thương Mại Hà
Nội có tôi, Nguyễn Văn Bạo và Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Diệt, người
Liên Thủy. Để ra Hà Nội học đại học, chúng tôi phải đi bộ 11 ngày mới đến
Nam Đàn, Nghệ An. Thời bao cấp ở miền Bắc, người ta cấm tiệt các quán
bán hàng dọc đường. Tư nhân buôn bán bị xếp vào loại tư lợi xấu xa, gọi là
“bọn tiểu thương”. Chúng tôi đi dọc đường suốt ngày không gặp quán bán
quà bánh, nước nôi gì. Đói, khát cũng phải gắng đến làng mới xin được
nước uống.
Đi cả ngày đường đói bụng, khát khô cổ, mãi đến tối mịt mới ghé nhà
dân mượn nồi nấu cơm. Có lần đã tối, chúng tôi ghé vào một gia đình ở
Nam Đàn, không nhớ xã gì. Cả bốn đứa vô ý đặt ba lô ngồi ở ngay thềm
nhà gian giữa. Mượn nồi nấu cơm họ không cho. Mãi đến khi một cô gái
trong nhà (chắc là con dâu) đi ra nói với chúng tôi: “Gian giữa là gian thờ.
Phụ nữ, con gái không ngồi ở đây được!”. Thế là Diệt và Hoa phải mang ba
lô xuống chái bếp. Lúc đó mới mượn được nồi nấu cơm. Hiểu thêm một nét
tập tục!
Mấy đứa mang ba lô cứ đi lang thang. Hỏi có xe ra Hà Nội không,
người ta bảo phải lên Đô Lương mới có. Sáng mai lại đeo ba lô hành quân.
Lên Đô Lương chờ một ngày không có xe, ăn tô phở “không người lái”
nhạt phèo, chẳng mùi vị gì.
Cả bốn đứa lại ôm bụng đói đi bộ về ngã ba Yên Lý. Đang đi trong
đêm bỗng có chiếc xe ca ghé sát bên, tay lơ xe quát: “Đi Hà Nội không?”.
Mừng quá. Một chuyến đi sóng gió. Bây giờ tuyến Hà Nội – Vinh xe chạy
chỉ bốn tiếng đồng hồ, hồi đó chúng tôi phải đi tới hai ngày. Khi đi mạ mua
cho tôi một chiếc nón lá Quy Hậu mới cứng, ra đến hồ Hoàn Kiếm, chiếc
nón te tua thành nón cời!