4. Thời sinh viên
Sinh viên thời bao cấp sướng hơn sinh viên thời nay, dù đói khổ hơn.
Nghe có vẻ lạ nhưng đúng là như vậy. Sinh viên thời nay mọi thứ phải tự lo
lấy, từ học phí, sách vở đến nơi ăn chốn ở. Sinh viên thời xưa mọi thứ Nhà
nước đều lo cho cả, trừ tiền ăn. Mỗi tháng nộp 18 đồng là hàng ngày xách
bụng đến nhà ăn khỏi phải lo nghĩ gì. Nhiều trường đến bát đũa cũng không
phải sắm. Đến bữa đến nhà ăn xếp hàng lấy cơm, ăn xong để bát đũa đấy có
người rửa cho.
Chúng tôi thuộc sinh viên các tỉnh Khu 4 như Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Vĩnh Linh, vì chiến tranh nên được Nhà nước cấp học bổng bình quân 22
đồng một tháng, nộp tiền ăn hết 18 đồng, còn 4 đồng tiêu vặt. Sinh viên
miền Nam, trước và sau giải phóng, được cấp học bổng 35 đồng (nên nhớ
vàng thời đó 80 đồng một chỉ). Nộp 18 đồng tiền ăn, còn lại tiêu nhòe
không hết. Tất cả đều Nhà nước lo. Bao cấp mà.
Bữa ăn sinh viên
Tùy theo khả năng quản lý của các trường đại học tốt hay kém mà bữa
ăn sinh viên ngon hay dở, nhưng nói chung tiêu chuẩn sinh viên giống
nhau, sinh viên ăn uống không khác nhau là mấy. Một mâm bốn người, mỗi
người hai bát cơm, nửa cái bánh mì, một lát thịt hay đậu phụ, một hai môi
canh. Vậy thôi, trường nào cũng thế. Đang tuổi lớn, chừng ấy cơm canh
chưa được một góc dạ dày, bữa nào ăn xong cũng vẫn còn thòm thèm.
Về sau này, kể từ năm 1978 trở đi, bữa cơm sinh viên không sang như
thế nữa. Anh Nguyễn Ngọc Tiến viết rất đúng: “Tùy theo thời kỳ, có khi
phải ăn độn ngô, bo bo, sắn khô nhưng ở Hà Nội chủ yếu là độn mì. Buổi
sáng mỗi sinh viên nội trú xuống nhà ăn nhận một cục luộc (bột mì nhào
nước nặn giống như bánh bao sau đó cho vào chảo luộc) vừa cứng vừa khô