rất khó nuốt. Bữa trưa cơm độn với mì sợi, bữa chiều mì sợi độn với cơm.
Ngày nào cũng như ngày nào nên sinh viên than:
Một ngày hai bữa cơm mì
Năm năm đại học còn gì là xuân.
Bữa ăn trường Thương Mại có mấy ngàn sinh viên một lúc, ồn ào náo
nhiệt lắm. Tiếng đũa bát leng keng. Cả bếp ăn có một thùng rô-mi-nê “nước
mắm”. Gọi nước mắm cho oai, thực ra là nước gạo rang và muối để sinh
viên nào thiếu thức ăn thì dùng thêm. Một bữa ăn cơm, một bữa ăn mì ổ.
Không gì chán bằng mì ổ ăn với canh rau muống, đói thì ăn được tất. Ngày
hai bữa bánh mì, canh rau muống chiến đấu cho hết năm năm đại học.
Trường không có phòng ăn rộng, các lớp phải bê cơm ra sân, ra đường ngồi
xổm mà ăn. Cuộc sống sinh viên thời bao cấp đơn giản lắm. Học thì học
chính trị Mác – Lênin sang trọng, tưởng cải tạo cả thế giới, ăn thì như ăn
mày, suốt ngày bụng lép kẹp, sôi réo. Ăn uống đã thiếu thốn, bạn đến chơi
phải báo thêm cơm, có ngày Chủ nhật tôi báo thêm đến hai ba suất. Mỗi
suất cơm bị trừ 0,225kg tem lương thực. Cuối tháng, nhà bếp trừ tem phiếu
có khi hết ba bốn ngày ăn. Lúc đó mà không còn tiền ra mua mì ngoài phố,
thì coi như nhịn đói. Tôi đã nhịn đói như thế nhiều lần.
Thời khốn khó đó, may bếp ăn của trường Đại học Thương Mại được
Công ty Thực phẩm nông sản Hà Nội bán “ưu tiên trong ngành”, bán cho ít
thứ thực phẩm thuộc loại không đưa vào cung cấp tem phiếu được như
xương bò, xương lợn, lòng bò, lòng lợn, nên bữa ăn thỉnh thoảng có tươi
hơn trường khác. Tất nhiên là chỉ lòng chay thôi. Vì tim cật thuộc loại quý,
ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện. Bởi thế mà bữa ăn nào cũng có món
lòng xào với su hào, bí xanh, còn lại chỉ tuyền canh rau muống lõng bõng.
May tôi học giỏi, được thầy xếp làm cán sự nhiều môn học của lớp,
hay dạy “phụ đạo” cho các anh cán bộ đi học, nên các anh rất thương. Mỗi
khi đói, tôi chạy đến chỗ anh Phạm Đô Lương, cán bộ thương nghiệp Nghệ