theo mức kỷ luật nặng nhẹ. Hết thời hạn “lao động cải tạo” sẽ học lại với
khóa sau. Cái từ “đi lò bánh mì” trở thành một thành ngữ để chỉ những sinh
viên bị kỷ luật. “Đi lò bánh mì” tất nhiên được ăn bánh mì thả cửa, còn
“lấy” được khối bánh mì đem về cho bạn bè cùng lớp. Thời trẻ mấy ai lo
nghĩ, dù bị “lao động cải tạo” nhưng được nghỉ học, được ăn no là mừng
lắm.
Tính tôi thích đọc sách. Bốn năm đại học tôi đã ngốn gần như hết tất
cả sách ở thư viện trường Đại học Thương Mại. Trừ buổi học trên lớp, còn
lại hầu như tôi lên thư viện suốt buổi. Mải đọc sách, đến quá giờ cơm, về
nhà bếp chẳng còn suất cơm nào, nhà bếp đóng cửa lặng ngắt. Mấy lần như
thế, đói quá, tôi nghĩ ra một cách là ăn chung mâm với bọn con gái trong
lớp như Nga, Mùi, Loan, Chắt, Nghiên. Sáu đứa một mâm. Ăn với con gái
có hai cái sướng. Thứ nhất là mình không phải rửa xoong nồi, bát đĩa. Thứ
hai là khi lỡ đi thư viện về muộn thì chúng nó chạy lên gọi hoặc đưa cơm
về phòng giúp. Quan trọng nhất là con gái ăn ít, tính hay nhường nhịn, nhờ
thế tôi luôn được ăn no. Mấy thằng không được con gái cho ăn chung nhìn
tôi với ánh mắt đầy ghen tị, chúng gọi tôi là “bọ sa chĩnh gạo”.
Năm 1968, trường Đại học Thương Mại sơ tán ở huyện Kim Động,
Hưng Yên. Ở nông thôn xa Thủ đô, không có lò bánh mì, sinh viên phải ăn
bữa cơm, bữa mì luộc. Đến bữa ăn, sáu đứa một xoong canh rau muống
lỏng bỏng, gọi là “canh toàn quốc” và đĩa bánh mì luộc màu cháo lòng.
Bưng ra đặt giữa đất, sáu đứa ngồi xổm xung quanh. Mỗi đứa một cục mì
luộc to bằng nắm đấm. Không có bột nở, mì cứng như đất sét, vừa nhai vừa
húp canh rau muống sồn sột.
Có lần tôi gắp rau muống chực bỏ vào mồm, chợt phát hiện ra con đỉa
to bằng ngón tay bám vào cọng rau, nó co lại như viên bi xám xịt. Tôi rùng
mình. Trong mâm toàn con gái, tôi không dám kêu, nhẹ nhàng gắp con đỉa
bỏ xuống chân, tiếp tục ăn như không có vấn đề gì xảy ra. Gần cuối bữa ăn,
tôi mới gắp con đỉa giơ lên thông báo cho cả mâm biết: “Tớ đã nhai con đỉa