Có chuyện vui. Có bà đi chợ Mai bảy tám cây số, buồn tiểu vẫn cố nhịn về
tiểu vào cái thùng tiểu nhà mình, để tưới khoai. Nhịn lâu quá, không nén
được, tè cả ra quần. Mất cả bãi nước tiểu, tiếc đứt ruột, lại phải giặt quần!
Cái ăn hàng ngày chỉ khoai và cá. Khoai lang được chế biến ra nhiều
món, tùy theo mùa. Mùa hạ thì khoai lang luộc, canh khoai lang, khoai lang
nướng; mùa đông thì khoai khô nấu xéo, khoai gieo nấu nhừ, khoai gieo
xéo xôi... Để có khoai khô, khoai gieo, mùa hạ thu hoạch khoai, nhà nào
cũng phải thức đêm để thái khoai, sáng phơi ra ba bốn nong. Phơi bốn năm
nắng khoai mới khô rồi đổ vào chum đậy kín dự trữ. Để có khoai gieo,
người ta chọn củ khoai ngon, to, dài, luộc lên, bóc vỏ, thái lát, phơi khô.
Khoai gieo có thể làm lương khô cho các chuyến đi dài ngày, vì chỉ cần bỏ
vào nước cho mềm là ăn được, không cần nấu.
Tôi nhớ hồi còn bé, làng tôi có trồng một giống khoai lang có tên là
Tân Kỳ. Khoai Tân Kỳ củ to, dài, có cạnh, vỏ màu hồng sen, bột hơi vàng,
ăn rất thơm, làm khoai gieo rất ngọt. Sau này tôi lớn lên, lấy vợ ở chính quê
hương đã sinh ra giống khoai ấy: huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An! Mới hay
con người có nhiều dây mơ rễ má trong cuộc đời lắm...
Thời chưa có sổ gạo, cả làng tôi ít nhà có cơm ăn, nên mới có câu
“Giêng Hai khoai cà”. Người ta nhại câu ca từ của Hoàng Vân trong bài hát
Quảng Bình quê ta ơi: “Quảng Bình... khoan khoan hò khoan” thành
“Quảng Bình... khoai khoai toàn khoai”! Câu hát ấy còn mãi cho đến bây
giờ.
Có một chuyện vui
Từ nhiều đời nay, làng tôi quanh năm nghèo đói. Không có nhà nào
lợp ngói. Đa phần nhà ở như nhà tạm, không khác nhà chị Dậu trong Tắt
đèn. Nhà tôi gọi là “giàu nhất làng”, cũng chỉ là ngôi nhà rường ba gian hai
chái lợp tranh. Để có tranh lợp nhà cũng không phải dễ, chỉ có ở vùng Vịnh
Mốc, Vĩnh Linh, sát giới tuyến. Phải chạy thuyền buồm cả buổi sáng vào