Tôi bực bội dắt xe đạp ra phố Phan Bội Châu. Có một người đàn ông
trạc 50 tuổi, chạy theo bá vai tôi bảo: “Tôi nghe chú mắng con mụ đó thấy
hả dạ lắm. Nhưng chú cứ ứng xử như thế thì khó sống trong xã hội hiện nay
lắm. Thôi, người ta bảo gì thì mình làm theo, không thì khổ đấy!”. Bữa
sáng ấy, tôi về nhà, vợ tôi hỏi gạo đâu. Tôi kể lại chuyện xé giấy mua gạo,
chửi bà trưởng Cửa hàng, vợ tôi khóc bảo: “Anh làm như thế chỉ tổ đói
con”. Nói rồi nàng vừa ôm lấy đứa con chưa đầy tháng tuổi vừa khóc to
hơn.
Đêm tôi nằm nghĩ lại bà trưởng Cửa hàng lương thực Bến Ngự ấy
cũng là một nạn nhân của một phương thức quản lý xã hội quan liêu, tạo
nên một lối sống phi nhân tính. Cơ chế ấy dễ sinh ra những người bất mãn,
tuy không dám phản kháng, trăn trở mà không dám nói ra, cứ ấm ức, dồn
nén đến mức phải văng một câu tục cho nó hả!
Cửa hàng mậu dịch luôn đông khách, có khi phải xếp hàng từ ba giờ sáng
Làm nghề mậu dịch viên bán thực phẩm, bách hóa, ai cũng tưởng
nhàn sướng, thực ra thì không phải. Cô nào cũng đứng quầy bán hàng cả
ngày. Tối về lại ăn cơm xong, ru con ngủ, rồi phải thức để dán tem phiếu
cân đối. Tem phiếu cắt ô nào dán riêng theo từng loại ô, vào một tấm giấy