lý giải nổi, nó mênh mang rộng lớn lắm, hừng hực như lò lửa cháy đêm
khuya.
Hết con đường trải nhựa, đến con đường đất đỏ, hai bên đường chạy dài
vào tận thung lũng là rừng thông non đang vi vu ca hát, những cây thông
mơn mởn xanh tràn đầy nhựa sống lung linh trong nắng vàng.
Núi, tôi đang đi trên vai ngọn núi. Thung sâu từng mảnh nương ngô đã
xanh um sắc lá. Gió và nắng đã làm rừng núi như cô gái đang làm duyên
trước khi xuống chợ, nét xuân làm đôi má cô cứ ửng hồng còn đôi mắt lại
sâu thẳm như khe suối trong.
Nơi ấy của tôi đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà mới đã xoá đi màu tối
bức tranh quê, xoá đi cái đói, cái nghèo bám dai dẳng đến mấy mươi đời.
Nét tươi mới đã hiện rõ trên khuôn mặt con người. Nơi này con người đã
biết lấy đá để xây nhà, từng khối đá được đục đẽo gọt dũa rất đẹp, chạm
khắc những nét hoa văn tinh sảo.
Cái nắng vẫn còn chan hoà, tôi đứng ở lan can tầng hai trụ sở Uỷ ban xã
nhìn ra vùng núi trước mặt, một làn gió oi nồng thổi lại, mùi của đất, của
đá, của cây cỏ thoảng bay, tôi đón nhận trong ngất ngây niềm xúc cảm. Nơi
con đường tôi vừa đi qua, hai bên là nương ngô, bóng người thấp thoáng
vun đất vào gốc từng cây ngô đang xanh lá. Cao hơn nữa là đỉnh núi, nơi có
rừng cây. Anh bạn cùng đi thắc mắc:
- Sao dân không chặt cây ở đây nhỉ?
Anh cán bộ xã cười:
- Rừng cây này đã cấm chặt phá từ lâu rồi, chứ không chỉ trong vòng một
tuần là sạch trơn nhẵn nhụi.
Anh bạn vẫn thắc mắc:
- Thế họ lấy củi ở đâu để đun?
Anh cán bộ xã lại giải thích:
- Họ phải đi xa hơn, lấy củi ở những vùng không cấm.
- Họ không chặt trộm cây sao?
- Không ai dám chặt, người dân ở đây coi những khu rừng đầu nguồn, rừng
bảo vệ là những nơi thiêng. Họ bảo vệ bằng chính luật tục của bản làng,
nên họ không dám vi phạm.