Nguyên Bình
Sống Trên Đá
Cô hàng rượu
Tôi đã được đọc một số tác phẩm của một số nhà văn lớn, cô hàng rượu của
họ cô nào cũng bốc lửa, dễ say, say từ ánh mắt, nụ cười đến tấm thân ngà
ngọc, chỗ nào cũng có thể say được, cuối cùng mới là say rượu cô bán. Mà
cũng lạ, có mười cô hàng rượu thì có đến chín cô đa tình. Từ con mắt liếc
dao cau đến cái môi mím nụ, cái cười hoa nở, thậm chí cả cái lắc đầu, cái
rùng mình... cái nào cũng biết nói, cái nào cũng có thể làm cho người ta
say, rồi ngất ngây, ngất ngư trong men rượu. Khi rượu đã say thì cứ như ăn
phải bùa mê, nhìn ai cũng thấy xinh, nhìn gì cũng quyến rũ, nuột nà như cô
hàng rượu. Có người còn lầm tưởng cái cột đèn đường là cô hàng rượu...
Nói vậy đủ biết sức cuốn hút của cô hàng rượu đến thế nào.
Cô hàng rượu của tôi không đa tình, không bốc lửa, cô chỉ khác người ở cái
cười nụ. Thú thực tôi đã si mê nụ cười ấy. Uống rượu cô bán tôi còn thề là
sẵn sàng hy sinh cho cái cười nụ ấy.
Cô hàng rượu của tôi vừa mới chớm tuổi trăng tròn, ở cô có cả sự hoang dã
của núi rừng lẫn cái tinh khiết của nước suối ôn tuyền. Cô như trăng non
đầu tháng, như giọt sương sớm trên cành, như bông hoa vừa hé. Ánh mắt
cô luôn mở to, thơ ngây, trìu mến.
Chợ phiên quê tôi chỉ họp vào ngày chủ nhật, người núi cao, người núi
thấp, người rừng già, người rừng non, kẻ ở gần, kẻ ở xa... đều tìm về. Nhiều
người đi chợ nhưng chẳng thấy mua bán gì, chỉ đi tìm gặp bạn bè, uống với
nhau bát rượu, hỏi thăm chuyện gia đình, người thân, công việc làm ăn...
rồi về. Có người còn đem rượu từ nhà đến chợ, tìm bạn, mời bạn nhấp
ngụm, mình nhấp ngụm, ôn lại những chuyện cũ, mới. Chiều buông xuống
dù lưu luyến vẫn phải chia tay, nhà bạn ở xa, nhà mình cũng không gần,
trên con đường dát nắng có kẻ ngất ngư như đang cưỡi mây về nhà.
Quán rượu cuả cô hàng là gốc cây xoài già cuối chợ, không bàn, không
ghế, mươi cái bát, hai cái chai, và can rượu lúc thì hai mươi lít, lúc thì mười
lít. Quán cô chỉ mở vào ngày chợ phiên.