Nguyên Bình
Sống Trên Đá
Quẩy Tấu
Có lẽ ít có vật dụng nào gần gũi và gắn bó với người Mông như chiếc quẩy
tấu, khi đi nương quẩy tấu đựng dụng cụ lao động từ nhà lên nương, khi về
nhà quẩy tấu lại đựng các sản vật từ nương về nhà, khi đi chợ quẩy tấu
cũng đi theo... Khi ra khỏi nhà con người thường mang theo quẩy tấu, có
khi còn chưa biết để làm gì, nếu trên đường đi gặp ít rau cho lợn sẽ lấy một
ít, gặp ít củi khô sẽ gùi một ít, gặp ít quả rừng sẽ hái một ít... Có khi cũng
chẳng đựng cái gì, khi đi sao khi về vẫn vậy.
Quẩy tấu là sự sáng tạo trong lao động của người dân miền núi, nó được ví
như chiếc địu, như chiếc ba lô, và hầu hết mọi thứ cần mang vác đều được
đựng trong quẩy tấu.
Đường vùng cao lắm đèo nhiều dốc, gập gà gập ghềnh, bước lên mây, bước
xuống đất, khó có thể gánh, quẩy bằng đòn gánh, người Mông đã sáng tạo
ra chiếc quẩy tấu, rất phù hợp với điều kiện đu quẩy lên dốc xuống khe.
Tôi còn nhớ người bạn là nhà báo kể cho nghe có một bản của người Mông
ở tít trên núi cao gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, con đường duy
nhất vào bản là mười hai chiếc thang nối nhau bắc vào vách núi.
"Nghe kể đã lâu, hôm ấy có dịp tôi quyết tâm đi thực tế một chuyến cho
con mắt được mở mang. Buổi sáng, lúc đường còn ướt sương, tôi và anh
cán bộ xã đã lên đường. Mặt trời lên khá cao, bóng nắng đã gần nghiêng về
đông mới đến chân núi, từ dưới nhìn lên thấy chót vót tít tắp xa. Đứng nghỉ
một lát rồi anh cán bộ xã bước những bước đầu tiên lên cái thang thứ nhất,
tôi bước theo ngay phía sau mà bàn chân cứ run lên từng hồi sợ sệt, chỉ cần
sơ ý một chút mà trượt chân ngã xuống thì... tôi không dám nghĩ thêm nữa.
Anh cán bộ xã bảo đừng nhìn xuống cứ ngước mắt lên là hết sợ. Tôi đã
không dám nhìn xuống, nhìn lên cũng không dám, tôi cứ dán mắt vào vách
núi đá mốc meo đen xỉn. Đi mãi rồi cũng hết các bậc thang. Đoạn đường
tiếp theo lại phải lách mình qua các khe đá, những hòn đá rất to bám vào
sườn núi, bước nọ nối bước kia cách nhau một đoạn xa, nhiều lúc phải