tiếu có đập trứng húp vào nóng ran đầu lưỡi, nghĩ đến một lát chả lụa cặp
bánh mì vàng ươm hay đắp lên một chén xôi dẻo quánh, nghĩ đến cả đĩa
bánh sôi nước với những viên bột trắng mọng, mới cắn nhẹ, chất ngọt đã
tứa ra tan biến trong miệng... Nhưng tôi không thể quấy rầy chú thím mãi.
Đã có lần tôi vô tình nghe được hai người thầm thì bàn bạc về tiêu pha dè
xẻn thế nào chứ khéo không cuối tháng đến gạo cũng chẳng có tiền mà
đong. Tiền! Tôi se ruột lại! Mấy ngàn bạc cô Nghĩa dúi cho, vài bận đi
thăm anh đã hết. Sợi dây chuyền má tôi cho ngày trước, mang đi cầm cũng
chỉ đủ mua được chục hộp sữa, ít vải thô khâu tã lót cho cháu. Được cái
ông chồng thím tôi rất quý cháu, đi đâu về là xộc vào buồng bế cháu lên
tay, nựng chạy khắp xóm. Biết hoàn cảnh tôi, thỉnh thoảng làm được cái gì
kiếm ra tiền, ông lại giấu vợ đưa cho tôi. Tôi không nhận, ông lén để dưới
chiếu. Phát hiện thấy, tôi trả lại, ông có vẻ buồn. Thằng Riềng bận dựng
chòi nên không qua lại được, chỉ có Thu đôi khi tạt vào mang cho tôi lúc thì
chục trứng, lúc cặp bánh giò. Nghĩa lâu lắm không thấy lại. Nghe đâu ông
chú gửi cô đi Biên Hòa học thêm nghề và đang vướng vào vòng yêu đương
mê mệt một anh chàng nhạc sĩ thời danh nào đó. Như vậy tôi chỉ có thể
trông vào mình tôi. Lắm lúc túng quá, nói thật, tôi đã có chút hối tiếc khi
gửi hết số tiền của anh Tám cho mẹ con Sang mà không giữ lại phần nào
cho mình. Nhưng điều đó đọng lại ở tôi không lâu. Tôi tin tôi có thể xoay
xỏa được và không rõ tại sao cũng cùng cảnh một mẹ một con cả, nhưng tôi
nghĩ rằng mình sẽ can đảm hơn, giàu nghị lực hơn cô gái yếu đuối kia.
Những ngày đi chợ thay má dạo nào đã giúp tôi tìm ra cách kiếm sống. Tất
nhiên với hoàn cảnh tôi lúc này, tôi không thể bỏ con, gửi con cho ai để đi
chợ ngồi bán bánh trôi nước suốt ngày được. Tôi chỉ có thể nhận bao cám
vá víu cho lành lặn tươm tất, nhà chủ trả cho được 10 đồng. Một ngày vá
cật lực cũng được 10 cái. Như vậy có 100 đồng trong tay, đủ mua nửa hộp
sữa cho con và lít gạo lức cho mẹ. Nhưng rồi cái thứ bao cám đó cũng cạn
dần, tôi phải đi khắp làng trên xóm dưới lùng mua những bao cám cũ người
ta không dùng đến nữa, mang về tu sửa, đắp cái nọ vào cái kia rồi đem
xuống chợ bán đắt lên một chút. Làm như vậy miết thấy chẳng ăn thua tôi
bỏ khâu bao, đi tìm mua luôn cám gánh xuống chợ tiêu thụ cho những chủ