Thành sau. Được không chú?
- Ý! Đâu có được – Ông tròn mắt, giang rộng tay - Sắp càn đó! Có tin tụi
nó sắp càn lớn vào cụm rừng này đó; chỉ hôm nay, ngày mai thôi. Bọn chú
cũng sắp cuốn đi nè!
- Cho chúng cháu đi với.
- Không được đâu. Bộ phận của chú cũng cồng kềnh lắm rồi, đang muốn
tinh giản cho nhẹ bớt mà chưa biết tính sao đây.
- Chú Tám – Tôi cố nài một lần nữa - Bọn cháu có năm người, gọn lắm,
không làm vướng chân vướng cẳng các chú đâu. Bọn cháu hứa sẽ...
- Thôi! - Lần này thì chính ông ngắt lời tôi - Thấy mấy em từ trong ấp ra,
chúng tôi quý lắm, thương lắm, nhưng tình hình đang khó thế này, mấy em
cảm phiền. Nhận đại mấy em vào, chẳng may đụng địch không khéo lại
chết chùm cả với nhau. Vả lại... Ông ngập ngừng.
- Vả lại sao chứ? – Tôi hỏi vớt vát.
- Ừ, cũng chẳng giấu gì mấy em làm gì, lương thực bọn tôi cạn rồi. Mấy
bữa nay ăn toàn củ chụp, củ năn với măng luộc, ai đau yếu mới được tô
cháo nấu luễnh loãng... Mấy em quay về đi thôi.
Ông đã nói đến thế thì tôi đành chịu. Lương thực chúng tôi mang đi cũng
sắp hết, bây giờ thêm năm miệng ăn nữa thì đúng là rầy cho mấy chú mấy
anh ở đây thật. Chao ôi! Khi đi, tôi đâu có nghĩ căn cứ lại thiếu thốn thế
này. Tôi đưa mắt cầu cứu mấy anh, mấy chị xung quanh nhưng họ đều nhìn
lảng đi hoặc cúi xuống. Tôi biết trong lòng họ muốn nhận chúng tôi lắm,
song hoàn cảnh ngặt nghèo khiến họ phải im lặng.
Tôi đứng dậy, nói dỗi:
- Kỳ quá! Địch càn sao không trụ lại mà đánh, chạy dài thế này bao giờ mới
tới ngày thắng lợi.
Chú Tám cười, cái cười vừa bao dung vừa thiểu não:
- Đánh có phận đánh, chạy có bộ phận chạy. Mỗi người mỗi việc rồi cô bé
ơi! Rồi sau này nếu còn ở rừng, cô sẽ hiểu cả.
Nghĩa vẩy mái tóc đến vù một cái:
- Thôi, về chị Hai! Đã thế thì không thèm nữa. Tưởng căn cứ ngon lành
mới kéo nhau đi, biết thế này ở nhà nằm ngủ khoèo cho khỏe.