Chu Lai
SÔNG XA
3
Từ bữa đó, thỉnh thoảng anh lại đến thăm tôi. Anh giản dị, xuề xòa và vui
chuyện. Mỗi lần anh đến, căn nhà bé nhỏ của tôi ấm cúng hẳn lên. Má tôi
cũng có vẻ mến anh. Lâu lâu anh không tới, má tôi lại nhắc. Và lần nào
đến, anh cũng mang thuốc cho má. Anh ngồi bên giường đặt tay lên trán
má, cầm tay bắt mạch cho má, tìm những câu chuyện hóm hỉnh nói cho má
vui. Khi đó, anh dịu hiền như một thầy thuốc. Tôi thay chữ thầy bằng tiếng
anh lúc nào không biết nữa. Lần đầu nghe tôi gọi vậy, anh nhìn tôi đầy vẻ
biết ơn khiến tôi chưng hửng và chút nữa gọi thầy trở lại như cũ, nhưng…
đã chót rồi. Thường là anh ở chơi không lâu, mươi mười lăm phút hay nửa
tiếng là cùng. Anh cũng ít nói chuyện riêng với tôi. Nếu có nói, cũng là
những câu hỏi thăm bình thường. Tuy vậy, nhìn sâu trong mắt anh, quan sát
những cử chỉ của anh, tôi biết anh đang cố tránh né một điều gì, tránh né
một cách vụng về mà người phụ nữ nào tinh ý một chút cũng nhận ra ngay.
Qua lời anh nói, tôi biết đã lâu lắm rồi, anh không còn cha mẹ. Cha anh bị
Pháp bắt đày ra Côn Đảo và một thời gian sau, do sức khỏe vốn đã quá yếu,
lại bị đánh đập nhiều nên mất ở đó. Mẹ anh, nguyên ngày trước là một cô
nữ sinh nhà giàu, mềm yếu và ưa mơ mộng, chồng chết chưa được bao lâu,
không chịu nổi cảnh cô đơn và thiếu thốn đã đi theo một lão chủ xe đò
xuống Long Xuyên. Anh và cô em gái được gửi lại nhà ông chú ruột ở phố
trên nuôi giúp. Ông chú này chuyên buôn gỗ từ miền ngược xuống miền
xuôi nên cũng khá giả, có quyền thế với địa phương và hơi khùng khùng
cho ăn học đến nơi đến chốn. Sau ngày ký hiệp định Giơnevơ, anh được bổ
về đây dạy học. Cô em gái vẫn ở với ông chú và gần như là thư ký riêng
của ông.
Nghe chuyện anh, chạnh nghĩ đến hoàn cảnh mình, tôi nghĩ đến má tôi. Bác
sĩ nói bệnh tình của má chắc không qua khỏi mùa mưa này và an ủi tôi hãy
ráng bình tĩnh mà chấp nhận những hoàn cảnh xấu nhất. Thằng Riềng đã lại
đi làm. Nó xin được việc bốc vác ở bến sông, có khi nó theo tàu đi xuống