tay Nghĩa. Biết ông đang nóng, Nghĩa không hỏi gì thêm, nhẹ nhàng dìu tôi
về phòng. Khi cánh cửa gỗ được ập lại, tôi mới nắm chặt lấy tay cô em gái,
nói hụt cả hơi:
- Bây giờ phải làm sao em? Chị chết mất
- Em cũng không biết phải làm sao. Nhưng chị đừng hoảng hốt quá, ảnh
hưởng tới cái thai.
- Liệu anh Nhân có phải lên máy chém không. Hồi này họ chém nhiều lắm!
- Bình tĩnh chị. Đừng vội nghĩ đến điều đó. Nếu anh hoạt động chống đối
thật chăng nữa thì cũng còn chú. Chính quyền ở đây nể chú lắm! Chắc họ
không làm ẩu đâu.
- Nhưng liệu chú có chịu không?
- Để em nói với chú. Có thể...
- Nghĩa ơi! – Tôi gục đầu vào vai cô - Thế mà chị đã nghi oan cho anh, chị
tưởng anh ham vui bạn vui bè mà quên má con chị! Những ngày vừa rồi,
một mình anh phải chịu đựng tất cả, chị không gánh đỡ được chút gì, lại
còn làm khổ anh. Chị tồi quá! Chị không xứng đáng để anh tin, anh ấy tâm
sự. Chị đứng ngoài cuộc đời của anh. Bây giờ anh rơi vào vòng tù tội
không biết sống chết lúc nào...
Chiều hôm đó, tôi đi tìm thằng Riềng. Hình như giữa nó với chồng tôi có
liên quan gì với nhau? Tại sao nó biết anh bị bắt? Tại sao nó lại vội đi như
thế? Tôi nhớ ngày trước nó với anh ít khi chuyện trò nhưng có vẻ hạp ý
nhau. Mỗi lần anh đến chơi, thế nào nó cũng ra suối kiếm một mớ cá về
nướng trui đãi anh. Còn anh, đến mà thấy vắng nó là hỏi liền. Gặp nó rồi,
đôi mắt anh vui hẳn lên và nó cũng hay cười hơn. Dứt khoát nó sẽ hiểu rõ
mọi chuyện.
Nhưng đến nơi, tôi chỉ thấy ngôi nhà lặng tờ với cái khóa to tướng ở cửa.
Hỏi hàng xóm, họ nói nó đi đâu cả tuần nay không thấy về nhà. Mệt quá,
tôi ngồi bệt xuống gốc ổi. Nắng chiều trải một màu vàng úa héo trên mái
nhà. Cỏ ngoài vườn đã mọc cao quá mắt cá chân. Cây ổi cọc còi không còn
một trái nhỏ. Có con chim màu xám nhảy nhót một mình trên đó... Tất cả
gợi lên cái mùi vị cũ kỹ ẩm mốc của một ngôi nhà không có người ở... Má
ơi! Tôi thốt kêu lên, cổ nghẹn đắng. Bao nhiêu kỷ niệm về má, về tuổi thơ,