ngày hôm sau nữa. Cũng không thấy anh về. Tôi bắt đầu lo. Trăm thứ giả
định xoay vần trong óc. Bị cướp ư? Anh có gì mà cướp. Bị xe cán ư?
Không! Xưa nay anh vốn đi đứng cẩn trọng. Hay vướng phải đánh nhau
nào? Cũng có thể lắm! Bởi vì anh vốn trọng danh dự, ai động đến là không
kìm được, mà thời buổi này thiếu gì kẻ nhăm nhăm kiếm cách làm nhục
người khác. Nhưng anh điềm tĩnh và mềm mỏng lắm mà. Chả lẽ anh lại
gặp nạn vì một cuộc sát phạt với kẻ tình địch?... Tôi đi ra đi vào, chân tay
như thừa hẳn ra. Ông chú và cô em gái cũng bắt đầu lo lắng và khuyên tôi
nán chờ một đêm nữa. Đêm ấy anh cũng không về. Linh tính báo cho tôi
biết một điều gì đó rất gở đã xảy ra với anh. Mặc kệ cái bụng chửa vượt
mặt, tôi vội vàng xách nón đi ra phố. Vừa ra đến đầu ngõ, tôi vấp ngày
thằng Riềng: nét mặt nó có cái gì căng thẳng lắm. Nó giữ tôi lại và nói nhỏ:
- Chị bình tĩnh nghe! Anh Hai bị bắt rồi! Bị bắt đêm hôm kia.
- Anh bắt? – Tôi hỏi lạc giọng.
- Còn ai nữa, cảnh sát bắt.
- Làm sao mà đến nỗi cảnh sát người ta bắt?
- Chuyện dài lắm! Chị cứ về đi, lúc khác em sẽ nói kỹ chị nghe. Em cũng
phải đi đây.
Nói rồi, nó ngó trước nhó sau, rảo chân đi luôn để mặc tôi đứng chơ vơ
không còn hiểu ra làm sao cả.
Đến trưa. Ông chú tôi ở Ty công an vê, quăng cái nón vào ghế rồi ngồi im,
thở hồng hộc. Tôi và cô Nghĩa đứng nép ở góc tường, sợ hãi không dám
hỏi.
Hồi lâu, ông phun nước miếng phì phì:
- Thật là nuôi ong tay áo… Mẹ nó! Nó hại ông thế này thì có chết ông
không cơ chứ.
Tin rằng mình được cưng, cô Nghĩa mon men lại gần, đưa ông ly nước sinh
tố:
- Anh Hai làm sao chú?
- Hai, ba con mẹ gì. Nó bị gông cổ như chó dại rồi. Nó hoạt động chống đối
tổng thống, chống đối quốc gia. Nó là thằng giặc! Thằng phiến loạn!
Tôi lạnh toát sống lưng, chân run bắn, đứng không vững nữa, phải vịn vào