Chu Lai
SÔNG XA
6
Đúng như tôi dự đoán, bà thím tôi nhìn thấy cháu mừng như bắt được vàng.
Khi biết được hoàn cảnh của tôi, bà rân rấn nước mắt rồi không chờ tôi nói
thêm điều gì, bà vội vàng hối thúc chồng dọn dẹp đồ đạc để kê cho mẹ con
tôi một cái giường con ở gian phụ. Người chồng mà tôi gọi bằng chú thực
ra vẫn còn trẻ, có lẽ chưa tới bốn mươi tuổi. Ông lụi hụi làm cái này, cái
khác tỏ ra nể bà vợ to béo, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn tôi nửa thăm dò,
nửa xa lạ. Nhưng bước đầu của cuộc hành trình đi tìm chồng như vậy cũng
tạm gọi là ổn. Dù sao, trong hoàn cảnh của tôi lúc ấy, gặp được những con
người như thế cũng thấy đỡ cô quạnh đi nhiều, thấy vững tin ở cuộc đời,
mà biết chắc rằng sẽ có rất nhiều sóng gió hơn.
Sáng hôm sau, tôi quyết định bế con đi thăm anh, nhưng thằng bé lại lên
cơn sốt. Chưa có kinh nghiệm nuôi con nên tôi cứ cuống cả lên, ôm chặt
con vào lòng, nhìn đôi mắt, cái miệng nhỏ xíu của con há ra để bật khỏi cổ
một tiếng ho yếu ớt, tôi lại thầm cầu cứu đến anh.
Những lúc như thế nếu không có bà thím chạy đi, chạy lại kiếm thuốc,
kiếm lá về cho cháu uống thì có lẽ tôi đã hóa rồ mất.
Trong sự chăm sóc thật mát tay của bà, dần dần cháu dứt khỏi cơn, lại toét
miệng ra cười với mẹ.
Mấy hôm sau, cháu khỏi hẳn, tôi lại quyết định bồng con đi thăm chồng.
Biết tính anh, trước khi đi, tôi kho một xoong cá lóc xả nhiều tiêu và ớt.
Thứ cá kho này, hồi còn ở với nhau, anh có thể ăn được quanh năm suốt
tháng mà không chán. Xoong cá hơn một ký, anh ăn dè cũng được một
tuần. Tuần sau tôi lại kho mang vào tiếp. Tôi chuẩn bị thêm cho anh mấy
táp thuốc rê Gò Vấp hảo hạng, hai ký đường hoa mơ, ít viên thuốc sốt,
thuốc đi ngoài và chục ổ bánh mỳ cùng một bịch trái cây.
Mới có nửa tháng thiếu vắng anh mà sao tôi thấy dài kinh khủng. Tôi
mường tượng ra anh lúc này chắc còm nhom, râu ria dữ dằn nhưng miệng
cười vẫn tươi, cặp mắt sâu vẫn tỏa ánh ấm áp quen thuộc. Nhìn thấy tôi và
con, chắc anh sẽ phải xúc động đến run người, anh sẽ bế lấy con một cách