mà còn đến từ cả hai bên”. Đạn pháo, đạn cối Nga nổ rền còn gây thương
vong nặng nề do gạch đá bắn vào cũng như do mảnh đạn.
Ngày hôm sau, để đẩy nhanh cuộc tấn công khu phức hợp Tháng Mười
Đỏ, Paulus lệnh cho Sư đoàn bộ binh số 94 và Sư đoàn tăng số 14 từ khu
phía nam thành phố lên tăng cường. Bên phía Nga, Tập đoàn quân số 62
đang bị ép mạnh nhận được ít nhiều tăng viện khi Sư đoàn súng trường cận
vệ số 39 của Tướng Stepan Guriev vượt sông Volga. Nó được tung thẳng
vào để củng cố tuyến bên phải nhà máy Tháng Mười Đỏ. Một sư đoàn mới
khác, Sư đoàn súng trường số 308 của Đại tá Leonti Gurtiev, đơn vị thứ hai
gồm chủ yếu là người Sibir, cũng bắt đầu vượt sông, nhưng số tăng viện này
cũng chỉ vừa đủ trám vào những thương vong mà thôi.
Liền đó, Chuikov lại phải đối mặt với một mối nguy hiểm bất ngờ. Ngày
1 tháng 10, Sư đoàn bộ binh số 295 theo các cống rãnh lách vào được cánh
phải của Rodimtsev. Lính cận vệ của ông phản công quyết liệt, phục sẵn
trong các ngóc ngách với súng tiểu liên và lựu đạn. Nhưng trong đêm, một
lực lượng lớn bộ binh Đức đã bò theo đường cống chính chạy xuống khe
Krutoy và ra được bờ sông Volga. Họ vòng xuống phía nam đánh tập hậu sư
đoàn Rodimtsev. Cuộc đột kích này trùng với một cuộc đột phá ở bên phải.
Rodimtsev phản ứng rất nhanh, lệnh cho tất cả các đại đội ông để làm dự bị
lập tức phản công và tình thế đã được vãn hồi.
Ngày 2 tháng 10, quân Đức tấn công các bồn dầu trên bờ sông, ngay phía
trên sở chỉ huy của Chuikov. Té ra là các bồn này vẫn chưa cạn. Trúng bom
hoặc đạn Đức là chúng bốc cháy. Dầu cháy chảy tràn xuống dưới, lan khắp
xung quanh sở chỉ huy và chảy xuống sông. Chỉ còn điện đài hoạt động.
“Các anh đang ở đâu?” Sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad liên tục hỏi.
Cuối cùng cũng có trả lời: “Chúng tôi đang ở nơi nhiều khói lửa nhất”.
Trong tuần đầu tiên của tháng 10, rõ ràng Chuikov đã bắt đầu lo không
biết họ có bám trụ nổi dải đất đang ngày càng hẹp lại rất nhanh ở bờ sông
này không. Mọi thứ đều phụ thuộc vào việc vượt sông. Ông hiểu rằng các
trung đoàn bầm dập chí tử của ông đã buộc quân Đức cũng chịu thương
vong nặng nề, nhưng kết cục của trận đánh tùy thuộc vào ý chí không kém