gì vào lực lượng. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài bám chặt khẩu hiệu
của Tập đoàn quân số 62: “Chiến sĩ phòng thủ Stalingrad không có đất đứng
bên kia sông”. Đó thực sự là lời thề thiêng liêng đối với nhiều người lính.
Một trong những hành động anh hùng nổi tiếng nhất xảy ra vào thời điểm
này là ở phần phía nam khu nhà máy, khi xe tăng Đức tấn công vào trận địa
giữa đống gạch vụn của một trường học do một chi đội lính thủy đánh bộ
được ghép vào Sư đoàn súng trường số 193 trấn giữ. Họ đã hết lựu đạn
chống tăng nên thủy thủ Mikhail Panikako bèn cầm lấy hai chai xăng. Lúc
anh lấy thế ném chai đầu tiên, một viên đạn Đức chẳng may bắn trúng chai
xăng trong tay anh, lửa trùm kín người anh. Anh chồm người cố lao thêm
mấy mét cuối cùng, quăng mình vào sườn xe tăng địch, đập chai xăng còn
lại tạo thành một quầng lửa trùm lên khối động cơ phía sau tháp pháo.
Các chỉ huy Đức cũng lo. Lính của họ đã kiệt sức và tinh thần cũng nao
núng nhiều. Lính Sư đoàn bộ binh số 389 chẳng hạn, họ không thèm giấu
giếm hy vọng được chuyển về Pháp vì họ đã tổn thất nặng nể. Các nghĩa địa
lính Đức phía sau tiền duyên mỗi ngày một rộng ra. Những người nghe bài
phát biểu của Hitler ngày 30 tháng 9 tại Cung Thể thao Berlin không thấy
hào hứng chút nào khi ông nói khoác rằng các lực lượng Đồng Minh không
đánh giá hết các thành tựu của Đức, trên hết là cuộc tiến quân từ sông Đông
đến sông Volga. Một lần nữa Hitler lại ném găng thách thức số mệnh, nói
chắc rằng “không ai đẩy nổi chúng ta khỏi chỗ đó”.