sang phía Đức. Loại này mặc đủ quân phục Đức, có đủ quân hàm quân hiệu.
Họ ăn như lính Đức và đi cùng các trung đoàn Đức. Thứ ba là các tù binh
Nga làm những công việc bẩn thỉu, bếp núc, nuôi ngựa, v.v... Ba loại này
được đối xử khác nhau, dĩ nhiên ai tình nguyện thì được đối xử tốt nhất.
Lính thường đối xử với chúng tôi khá tốt, nhưng sĩ quan và hạ sĩ quan bên
sư đoàn Áo là tệ nhất”.
Hiwi này là một trong số 11 tù binh Nga lấy từ trại ở Novo-
Aleksandrovsk vào cuối tháng 11 năm 1941 để làm việc cho quân đội Đức.
Tám người đã bị bắn vì đói mà ngã quỵ lúc bị đưa đi. Người này sống sót,
được đưa vào làm ở bếp ăn dã chiến của một trung đoàn bộ binh, công việc
của anh ta là gọt khoai tây. Sau đó chuyển sang chăm sóc ngựa. Nhiều cái
gọi là đơn vị Cossack được thành lập để chống du kích và trấn áp ở hậu
phương, mà như anh ta đã nói, gồm có nhiều người Ukraina và người Nga.
Hitler ghét cái ý tưởng lộn xộn người Slav trong quân phục Đức thành ra
phải gọi là bộ đội Cossack, được chấp nhận về mặt chủng tộc. Điều này
phản ảnh bất đồng căn bản giữa giới chóp bu Quốc xã, vốn ám ảnh với việc
nô dịch triệt để người Slav, và các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp, những
người tin rằng hy vọng duy nhất là hành động như những người giải phóng
nước Nga khỏi chủ nghĩa Cộng sản. Ngay từ đầu mùa thu năm 1941, tình
báo quân đội Đức đã đi đến kết luận rằng Wehrmacht không thể chiến thắng
ở Nga nếu không biến chiến tranh xâm lược thành nội chiến.
Các Hiwi bị lôi kéo trong trại tù binh bằng những lời hứa hẹn sẽ nhanh
chóng tỉnh ngộ. Một lính Ruthenia đào ngũ, lúc bị thẩm vấn kể lại anh ta đã
gặp các Hiwi như thế nào khi vào làng tìm nước. Đó là những người
Ukraina đào ngũ chạy sang phía Đức với hy vọng được về nhà với gia đình.
“Bọn tôi tin mấy tờ truyền đơn”, họ kể, “chỉ muốn về nhà với vợ”. Nhưng
thay vào đó họ lại được phát quân phục Đức và được sĩ quan Đức huấn
luyện. Kỷ luật rất hà khắc. Họ có thể bị bắn “vì những lỗi nhỏ xíu”, như tụt
lại sau trên đường hành quân. Chẳng bao lâu sau họ bị đưa ra tiền tuyến.
“Như vậy chẳng phải anh sẽ giết đồng bào mình à?” người lính Ruthenia
hỏi. “Chứ còn biết làm sao bấy giờ?” họ đáp. “Nếu quay lại với bên Nga,