các đầu cầu, rồi ngay phía sau chiến tuyến, loa phóng thanh từ các đại đội
tuyên truyền phát nhạc và các thông điệp chính trị để che lấp tiếng máy.
Trên ba mặt trận “trục Stalingrad” giờ đây đã có hơn một triệu người tụ
lại. Tướng Efim Smirnov, cục trưởng quân y, có trong tay 119 bệnh viện dã
chiến với 62.000 giường sẵn sàng cho thương binh. Mệnh lệnh dược phát ra
ba giờ trước lúc tấn công. Các đơn vị Hồng quân được thông báo họ sẽ đánh
thọc sâu vào phía sau lưng địch. Không một lời nhắc tới bao vây. Binh sĩ cực
kỳ phấn khích với ý nghĩ rằng quân Đức không biết cái gì sắp đánh chúng.
Đây là khởi đầu của trả đòn. Xe cộ được kiểm tra đi kiểm tra lại. Họ có cả
một chặng đường dài phải đi phía trước. Máy móc được săm soi, lắng nghe
“như thầy thuốc nghe tim”. Thời gian để viết thư, cạo râu, giặt xà cạp, chơi
cờ hay chơi domino đã hết. “Cán bộ chiến sĩ được lệnh nghỉ ngơi, nhưng họ
đang quá phấn khích. Ai nấy điểm lại trong đầu xem mọi thứ đã làm xong
hết chưa”.
Vào đêm trước trận đánh đó, quân Đức không hề cảm thấy ngày mai sẽ có
gì khác. Báo cáo hằng ngày của Tập đoàn quân số 6 rất ngắn gọn: “Trên
khắp mặt trận không có thay đổi lớn. Băng trôi trên sông Volga yếu hơn hôm
trước”. Đêm đó, một người lính đang mong về phép, viết về nhà, hồi tưởng
lại việc mình đang ở “2.053 dặm cách biên giới nước Đức”.