lính trẻ mới nghe thấy lo, cứ ngoái xem có ai biết không. Họ bảo rằng cuộc
sống sau chiến tranh phải khác. Cuộc sống của những người làm việc ở nông
trang tập thể hay trong nhà máy phải được cải thiện và phải bãi bỏ những
đặc quyền của nomenklatura.
Ở giai đoạn này của cuộc chiến, nguy cơ bị tố cáo ở chiến trường là khá
ít. Như một cựu binh nói: “Một người lính cảm thấy khi đã trả giá bằng máu,
anh ta phải có quyền nói tự do”. Nhưng anh ta sẽ giữ mồm giữ miệng hơn
khi bị thương và được chuyển về bệnh viện dã chiến, nơi mà các sĩ quan
chính trị luôn cảnh giác với mọi phê phán chế độ.
Binh lính giải sầu bằng cách nói đến các món ăn ở nhà cũng như những
ước mơ. Một số trung đội may mắn có người giỏi kể chuyện, bịa ra những
câu chuyện cổ tân trang. Họ chơi bài (tuy chính thức thì cấm) và đánh cờ.
Ngồi không một nơi, có tí thời gian rỗi, họ chạm khắc, nặn tượng. Nhưng
nhiều nhất là nhớ lại chuyện xưa. Người Moskva không ngớt nói về thành
phố của mình, chưa đủ làm choáng các đồng đội ở tỉnh lẻ nhưng cũng nguôi
ngoai nỗi nhớ nhà giữa chốn đồng không mông quạnh.
Viết về nhà là “cực khó”, một trung úy lính thủy đánh bộ thú nhận.
“Không thể” nói thật. “Binh lính ngoài mặt trận không được phép gửi tin
xấu về nhà”. Cha mẹ anh giữ tất cả thư từ anh gửi, rồi sau chiến tranh ngồi
giở lại, anh thấy chẳng có tí thông tin nào trong đó. Nhìn chung, một lá thư
về nhà thường bắt đầu bằng việc cam đoan với mẹ — “con vẫn sống khỏe,
ăn uống tốt” — nhưng đến câu sau lại bảo rằng sẵn sàng hy sinh thân mình
cho tổ quốc, đâm ra giấu đầu hở đuôi.
Trong trung đội có những câu chuyện tiếu lâm và những câu đùa, trêu
chọc, nhưng bằng vai phải lứa với nhau thì ít khi đùa ác. Mà cũng lạ là
không bậy bạ. Họ chỉ nói về gái “khi đặc biệt có hứng thú”, mà đó là khi sự
đa cảm được vodka kích động hoặc một bài hát khơi lên. Mỗi đại đội ít ra
cũng có một cây concertina (đàn gió) nhỏ để cổ vũ tinh thần. Bài hát ưa
thích của Hồng quân ở quanh Stalingrad trong mấy tuần cuối năm 1942 là
bài Zemlyanka (Căn hầm), kiểu như bài Lili Marlene phiên bản Nga, với giai
điệu cũng du dương như vậy. Bài ca đầy ám ảnh đó do Aleksey Surkov sáng