Hội nghị Tehran đã quyết định chiến lược cho giai đoạn còn lại của chiến
tranh. Kế hoạch của Churchill, tiến hành một cuộc đột kích qua Balkan đã bị
gạt bỏ vì những lý do thuần túy quân sự. Nỗ lực chủ yếu của các đồng minh
phương Tây là nhằm vào Tây Bắc châu Âu. Nhưng chiến lược này lại để số
phận của Đông và Trung Âu nằm hoàn toàn trong tay Stalin. Dù rất nghi
ngại hậu quả nhưng Churchill không thể làm gì được. Sự hy sinh của Hồng
quân và những mất mát khủng khiếp mà người dân Nga phải gánh chịu đã
cho phép Stalin thuyết phục các đồng minh phương Tây nhờ biết bao xương
máu Liên Xô đã đổ mà phương Tây không thể so sánh được. Một vài sử gia
theo dõi sự vươn lên thành một siêu cường của Liên Xô đã đúng khi chỉ ra
chiến thắng Stalingrad là cơ sở thành công của Stalin tại Tehran.
Sử dụng hào quang của một lãnh tụ vĩ đại, Stalin thực hiện một sự bù đắp
nhỏ nhoi cho Roosevelt bằng cách tuyên bố giải tán Quốc tế Cộng sản vào
ngày 15 tháng 5 năm 1943. Georgi Dimitrov vẫn an nhiên lãnh đạo phần còn
lại của Quốc tế Cộng sản với một tên gọi khác: Ban Quốc tế của ủy ban
Trung ương. Trong khi đó, chiến thắng của Liên Xô ở Stalingrad là cú hích
mạnh mẽ nhất có thể tưởng tượng được cho việc tuyên truyền về chủ nghĩa
cộng sản trên khắp thế giới. Đó là sự cổ vũ cho cả những người từng mất
niềm tin sau cuộc điều tra kiểu Stalinist trong Nội chiến Tây Ban Nha hay
Hiệp ước Xô-Đức năm 1939. Câu chuyện đã khích lệ các nhà điêu khắc, họa
sĩ, nhà văn và nhà thơ cánh tả kiểu như Pablo Neruda, người đã viết trong
bài thơ Nuevo Canto de Amor a Stalingrado
về tình yêu quốc tế đối với
thành phố mà cái tên đã mang đến hy vọng cho thế giới.
* * *
Đối với các tù binh Đức bị bắt ở Stalingrad, tương lai quả là mờ mịt. Có
người vẫn còn mơ đến một cuộc đại phản công cứu họ thoát, đêm đêm lại
tưởng nghe tiếng pháo của đại binh đang đến. Họ có vẻ sẽ sống sót qua mấy
năm sắp tới trong trại tù được dựng lên theo tiêu chuẩn của NKVD với hàng
rào 10 lớp kẽm gai bao quanh.