“Nếu suy luận đó chính xác thì thủ phạm là một người vô cùng cố chấp
đấy. Bởi vì họ đã sống suốt hai năm mà không quên được mối hận.”
Mamiya tỏ ra bán tín bán nghi nhưng vẫn chấp thuận cho anh điều tra về
Tsukui Junko.
Vì thế mà từ hôm qua, Kusanagi hết gọi điện thoại cho cha mẹ Tsukui
Junko lại gặp gỡ người nhận được di thư để tập hợp thông tin chi tiết.
Thông tin liên lạc với gia đình là do người phụ trách cuốn “Ước gì ngày
mai trời đổ mưa” cung cấp.
Nhưng cho đến lúc này, chưa thấy ai nhắc đến chuyện Mashiba
Yoshitaka có liên quan đến việc tự sát. Không những vậy, ngay cả việc cô
ấy từng hẹn hò với Mashiba cũng không ai biết.
Theo lời kể của bà mẹ thì không hề phát hiện dấu vết cho thấy có đàn
ông ra vào căn phòng của Tsukui Junko. Vì thế mà bây giờ bà vẫn nghĩ thất
tình không phải là nguyên nhân tự sát.
Lần đầu tiên có người thấy bóng dáng Mashiba và Tsukui Junko ở tiệm
hồng trà là khoảng ba năm về trước. Một năm sau Junko tự sát, nếu lúc đó
cô vừa chia tay với Mashiba thì hoàn toàn logic.
Giả sử việc chia tay Mashiba là nguyên nhân tự sát đi nữa, nếu không có
ai biết điều đó thì nhân vật thù hận anh ta cũng không tồn tại. Cuộc điều tra
mất công xin phép Mamiya mới được tiến hành đang sớm lâm vào bế tắc.
Đúng lúc ấy thì anh nghe được câu chuyện chất độc.
Nếu lấy tài liệu từ đơn vị phụ trách vụ tự sát của Tsukui Junko trước đây
thì anh đã nhận ra sớm hơn. Vì ngay từ đầu đã gọi điện đến nhà cha mẹ nạn
nhân, nghe bà mẹ kể nội dung chi tiết nhưng không đầy đủ mà anh bỏ qua
trình tự cơ bản. Anh chủ quan cho rằng, nếu vụ việc được kết luận là tự sát
thì ở công an quận chắc sẽ không có thông tin đáng chú ý.
Tuy vậy, thông tin về thạch tín thì…
Tất nhiên, có khả năng đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Sau vụ án bỏ độc vào cà
ri ở Wakayama, thông tin thạch tín là chất kịch độc trở nên phổ biến trong
xã hội. Đương nhiên số người nghĩ tới việc dùng nó để tự sát hoặc hạ sát
người khác cũng tăng lên.