cùng ăn thề với các quan đại thần mà về nước? Làm thế thì quân của Tề sẽ
được giải tán, các quan đại thần được yên ổn, túc hạ cứ cao gối mà nằm
làm vua một nước, đất vuông ngàn dặm. Đó là cái lợi muôn đời.
Lữ Lộc tin theo cho kế ấy là phải, muốn trao ấn tướng quân và quân sĩ cho
thái úy. Lộc sai người báo điều đó với Lữ Sản và những người già cả trong
họ Lữ. Có người bảo làm thế là tiện, có người bảo thế là không tiện. Kế ấy
đang ở trong tình trạng do dự, chưa có gì được quyết định. Lữ Lộc tin theo
lời Lịch Ký một hôm ra ngoài đi săn chơi, ghé qua nhà người cô là Lữ Tu.
Lữ Tu cả giận nói:
- Mày làm tướng mà bỏ quân lính thì họ Lữ này sẽ không biết ở vào đâu!
(27)
Bèn đem tất cả châu ngọc, đồ quý báu vãi trong phòng, nói:
- Ta không công hơi đâu mà giữ của cho người khác.
Tả thừa tướng Tự Cơ miễn chức. Tháng tám, ngày canh thân vào buổi sáng,
Bình Dương Hầu Tào Truất (28) làm chức ngự sử đại phu, yết kiến tướng
quốc Lữ Sản bàn công việc. Lang Trung Lệnh Giả Thọ đi sứ ở Tề về, nhân
đấy trách Sản:
- Nhà vua sao không sớm về nước, nay tuy muốn đi, đi làm sao được?
Và kể lại với Sản tất cả việc Quán Anh hợp cùng với quân Tề, Sở muốn
diệt họ Lữ.
Giả Thọ liền giục Sản vào ngay trong cung (29). Bình Dương Hầu nghe
được những lời này liền ruổi ngựa báo với thừa tướng và thái úy. Thái úy
muốn vào chỗ đóng quân ở phía bắc nhưng không vào được. Tương Bình
Hầu Kỷ Thông giữ các phù và các cờ tiết. Thái úy bèn bảo Kỷ Thông cầm
cờ tiết giả làm lệnh vua trao cho thái úy cầm đầu đạo quân phía bắc. Thái
úy lại ra lệnh cho Lịch Ký và điển khách là Lưu Yết trước đấy thuyết phục
Lữ Lộc, nói:
- Hoàng Đế đã sai thái úy cầm đạo quân phía bắc, muốn túc hạ trở về nước.
Xin túc hạ đưa ngay ấn tướng quân, cáo từ để về, nếu không thì tai họa xảy
ra.
Lữ Lộc tin rằng Lịch Ký không lừa mình bèn cởi ấn trao cho viên điển
khách và giao cho thái úy cầm quân.