SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN - Trang 21

tự sự của ông có được cái tính chất rắn chắc, khúc chiết của đương thời,
nhưng còn có một điều đặc sắc hơn là rất sinh động và đa dạng. Những con
người của Tư Mã Thiên đồng thời biểu hiện những đặc sắc chung của thời
đại họ, nhưng lại giữ được những nét nổi bật làm thành bản sắc của họ.
Muốn làm nổi bật cái cá tính của nhân vật cũng như màu sắc chung của
thời đại, không bao giờ tác giả xét nhân vật một cách cô lập, mà đặt nó
trong sự đối lập với các nhân vật khác. Đọc Lý Tư người ta nhất định phải
thấy Triệu Cao, đọc Bình Nguyên Quân thì thấy ngay Tín Lăng Quân, bên
cạnh Lưu Bang luôn luôn có mặt Hạng Vũ. Để làm nổi bật sự đối lập, tác
giả rất chú ý đến sự đánh giá về nhân vật của người đương thời. Mỗi nhân
vật như vậy ít nhất cũng được vài ba người đánh giá. Để đánh giá Lưu
Bang, tác giả nhắc lại những lời đáng giá của Tiêu Hà, Phạm Tăng, Lịch
Sinh, Trương Lương, Trần Bình, Hàn Tín, v..v… Để đánh giá Tín Lăng
Quân, tác giả không quên những nhận xét của Hầu Sinh, Mao Công, Tiết
Công, Bình Nguyên Quân, v..v… Tác giả nhiều khi gộp họ vào một chương
để càng làm nổi bật chủ ý của mình. Đó là những lúc đối lập rõ rệt. Nhưng
có những lúc đối lập kín đáo hơn thì thật là thú vị. Chẳng hạn không phải
ngẫu nhiên mà tất cả những quan lại tốt trong Tuần lai liệt truyện đều là
người trước đời Tần. Trái lại tất cả những người trong Khốc lại liệt truyện
đều là những nhân vật thời Hán. Cũng vậy, ai cũng phải thừa nhận hình
tượng về Vũ Đế, sao mà giống Tần Thuỷ Hoàng làm vậy, cũng huênh
hoang, tự đắc, thích chiến tranh, thích thần tiên, thích xây dựng, thích xu
nịnh.
Chính cái phương pháp tự sự bậc thầy, công phu và chu đáo vô cùng đã làm
cho nhân vật sống một cách trọn vẹn, và cũng do đó, đời sau không thể nào
thay đổi được. Sự thực vốn hùng hồn hơn lời nói, và khi các sự thực đã xếp
thành hệ thống nguy nga thì tự nó sẽ nói lên tiếng nói của chân lý.
Phải chăng vì thế mà tác giả vắng mặt ? Không, tác giả luôn luôn có mặt.
Hình ảnh của Tư Mã Thiên rất rõ ở từng trang, tâm sự của ông hiện lên như
một tiếng đàn tuy rất khẽ nhưng rất rền trong bản hợp tấu vĩ đại. Chúng ta
biết bản thân sự đối lập là biểu hiệu một thái độ. Ngoài ra tác giả còn sử
dụng rất thạo phương pháp viết sử của Kinh Xuân Thu. Mục đích của nó là

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.